1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO nêu điều kiện kết nạp Phần Lan, Thụy Điển

Minh Phương

(Dân trí) - Để trở thành thành viên của NATO, Phần Lan và Thụy Điển phải đáp ứng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO cho biết.

NATO nêu điều kiện kết nạp Phần Lan, Thụy Điển - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: NI).

Trả lời phỏng vấn truyền thông Tây Ban Nha ngày 27/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, Phần Lan và Thụy Điển khó có thể được chấp nhận kết nạp vào NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra cuối tháng 6 nếu không đáp ứng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thụy Điển và Phần Lan có thể tham dự hội nghị với tư cách khách mời, nhưng nếu họ không đáp ứng các đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày 28/6, thì họ khó có thể đạt được nguyện vọng trở thành quốc gia thành viên của liên minh", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Để gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần có sự ủng hộ của 30 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, hiện phản đối gay gắt việc kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này. Lý do Ankara đưa ra là 2 nước này ủng hộ đảng Lao động người Kurd (PKK) và Phong trào Gulen, những tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Hơn nữa, Ankara không chấp nhận việc mở rộng liên minh quân sự đến những nước cấm các thương vụ vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ.

Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển trước đó có quan điểm rõ ràng, dứt khoát lên án PKK và các nhóm vũ trang liên quan trước khi hai nước này được gia nhập NATO. Nghĩa là, ngoài việc liệt kê PKK vào danh sách tổ chức khủng bố, Phần Lan, Thụy Điển cần hành động nhiều hơn để trấn áp những người ủng hộ PKK sinh sống ở các nước đó. Các nước này cũng phải dỡ bỏ trừng phạt Ankara.

Ông Stoltenberg cho rằng, những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ cần được lưu tâm, thảo luận và giải quyết. "Không quốc gia nào phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và khi một đồng minh có những lo ngại thì lo ngại đó phải được thảo luận, giải quyết".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine