1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Video của truyền thông Trung Quốc “chọc giận” Ấn Độ

(Dân trí) - Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 16/8 đăng tải một đoạn video với những ngôn từ bị cho là phân biệt chủng tộc để chế nhạo Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng biên giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Nữ diễn viên Trung Quốc dẫn chương trình chỉ trích Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Nữ diễn viên Trung Quốc dẫn chương trình chỉ trích Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Đoạn video được dàn dựng bằng tiếng Anh, kéo dài hơn 3 phút với tiêu đề “7 sai lầm của Ấn Độ: Đến lúc Ấn Độ thừa nhận 7 sai lầm”.

Trong đoạn video, một nhân vật nữ đã chỉ ra “7 sai lầm” của Ấn Độ trong căng thẳng biên giới ở khu vực Doklam. Nữ diễn viên dẫn chương trình này nói: "Quý vị có thể nghĩ Doklam là một vùng tranh chấp, nhưng thực tế nó được cả Ấn Độ và cộng đồng quốc tế thừa nhận là một phần lãnh thổ Trung Quốc". Người dẫn chương trình này cũng lớn tiếng cáo buộc, binh sĩ Ấn Độ đưa các máy ủi đến “nhà” của hàng xóm mà không “gõ cửa”.


Nam diễn viên Trung Quốc vào vai Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Nam diễn viên Trung Quốc vào vai Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Trong cảnh quay sau đó là một nam diễn viên hóa trang thành một người Ấn Độ với khăn xếp truyền thống và một bộ râu giả. Người này nhập vai với giọng nói dường như tiếng Ấn cổ rằng: “Tôi không đi đâu cả. Đây là nhà của Bhutan. Tôi ở đây để bảo vệ nó”.

Một nam diễn viên khác không hóa trang vào vai Bhutan nói: “Doklam không phải nhà của tôi”. Người đàn ông vào vai Ấn Độ đáp lại: “Chẳng ai có thể đổ lỗi cho tôi cả bởi tôi ngái ngủ”.


Nam diễn viên áo xanh vào vai Bhutan. (Ảnh: Xinhua)

Nam diễn viên áo xanh vào vai Bhutan. (Ảnh: Xinhua)

Nối tiếp vào đoạn hội thoại của hai nam diễn viên vào vai Ấn Độ và Bhutan, nữ phát thanh viên nói: “Giới chức Bhutan rõ ràng đã nói với giới chức Trung Quốc rằng, Doklam không phải lãnh thổ của họ và chính họ cũng cảm thấy bối rối vì hành xử của Ấn Độ”.

Cô này cũng nói thêm rằng: “Trung Quốc nhận thấy không thể đánh thức một người đàn ông đang giả vờ ngái ngủ”.

Những bình luận này được cho là nhằm chế nhạo, đổ lỗi cho Ấn Độ trong cuộc đối đầu căng thẳng ở Doklam.

Đoạn video này ngay lập tức đã vấp phải làn sóng giận dữ ở Ấn Độ. Người dùng mạng xã hội đã lên tiếng chỉ trích gay gắt đoạn video của truyền thông Trung Quốc.

Truyền thông Ấn Độ cũng cho rằng, đoạn video thể hiện sự “phân biệt chủng tộc” và “rõ ràng chế nhạo” cộng đồng thiểu số theo đạo Sikh của Ấn Độ. Báo The Quint của Ấn Độ cho rằng, đây là một động thái của truyền thông Trung Quốc nhằm khuấy động hơn nữa căng thẳng hiện nay giữa hai nước ở khu vực Doklam.

Căng thẳng bắt đầu bùng phát từ hồi tháng 6 khi sau khi Ấn Độ triển khai binh sĩ ngăn phía Trung Quốc xây dựng một con đường ở đây. New Delhi cho rằng, hành động của Bắc Kinh là xâm phạm chủ quyền của Bhutan, một quốc gia đồng minh của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào.

Minh Phương

Theo BBC, SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm