1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc - Ấn Độ đang đứng bên bờ vực chiến tranh?

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang trong trường hợp cả hai bên đều không đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp biên giới tại cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới (Ảnh: AFP)
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới (Ảnh: AFP)

Theo Indian Express, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley ngày 11/8 tuyên bố trước quốc hội rằng lực lượng vũ trang nước này đã “chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra” liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở khu vực biên giới tại cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya.

Trong khi đó, các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng nhận thức rõ về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Ấn Độ. Tuy nhiên, PLA sẽ cố gắng hạn chế để xung đột giữa hai quốc gia, nếu có xảy ra, cũng chỉ dừng lại ở mức độ giao tranh nhỏ lẻ, tương tự như các cuộc giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.

“PLA sẽ không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh trên bộ với Ấn Độ. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược nhằm làm tê liệt các sư đoàn của quân đội Ấn Độ đang đóng ở dãy Himalaya tại khu vực biên giới với Trung Quốc”, SCMP dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho biết.

Cũng theo nguồn tin trên, quân đội Ấn Độ khó có thể cầm cự “quá một tuần” nếu xung đột xảy ra.

Một nguồn tin quân sự khác cho biết các sĩ quan và binh lính thuộc Quân khu phía Tây của quân đội Trung Quốc đã được lệnh chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Ấn Độ liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Doklam.

“Đã có ý kiến trong quân đội Trung Quốc nói rằng phải chiến đấu vì binh sĩ Ấn Độ đã xâm phạm vào lãnh thổ Trung Quốc ở Donglang (cách Trung Quốc gọi khu vực Doklam). Dư luận cũng ủng hộ ý kiến này”, một nguồn tin quân sự cho biết.

Theo các nguồn tin trên, quân đội Trung Quốc tin rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ được kiểm soát và sẽ không lan sang những khu vực tranh chấp khác dọc biên giới kéo dài 2.000 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc sẽ thất bại nếu đối đầu Ấn Độ trên biển?

Binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ diễu binh ở thủ đô Bắc Kinh tháng 9/2015 (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ diễu binh ở thủ đô Bắc Kinh tháng 9/2015 (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ cảnh báo, một khi phát súng đầu tiên nổ ra, cuộc xung đột có thể sẽ leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện. Khi đó, Ấn Độ có thể phong tỏa tuyến hàng hải của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

“Bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc cũng sẽ nhận lại sự đáp trả tương xứng từ quân đội Ấn Độ. Chắc chắn cả hai sẽ đều phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên nếu Bắc Kinh khiến cuộc xung đột leo thang thì cuộc xung đột đó sẽ trở nên không có giới hạn và mở rộng sang cả chiến tranh trên biển”, Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Rajeswari Rajagopalan, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức Nghiên cứu Giám sát viên tại New Delhi, Ấn Độ, cho biết: “Trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, Hải quân Ấn Độ chắc chắn sẽ ngăn không cho Hải quân Trung Quốc tiến vào Vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương”.

Trung Quốc là quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này được vận chuyển của Ấn Độ Dương hoặc eo biển Malacca.

Theo chuyên gia hải quân Li Jie từ Bắc Kinh, Trung Quốc, Ấn Độ năm 2010 đã xây dựng một căn cứ hải quân ở quần đảo Andaman và Nicobar, sát eo biển Malacca - nơi được coi là eo biển hẹp nhất thế giới với bề rộng chỉ 1,7 km.

“Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã nâng cấp 2 đường băng tại các quần đảo để phục vụ hoạt động của các máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu. Tất cả các động thái này nhằm dọn đường cho Ấn Độ để nước này có thể ngăn chặn quân đội cũng như các tàu thương mại Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương trong trường hợp xung đột xảy ra”, chuyên gia Li Jie cho biết.

Hồi tháng 7, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar 2017 kéo dài 10 ngày tại Vịnh Bengal. Khi đó, Mỹ đã đồng ý thỏa thuận bán máy bay vận tải quân sự trị giá 365 triệu USD và một hợp đồng bán máy bay trinh sát không người lái trị giá 2 tỷ USD cho Ấn Độ.

Theo đó, Hải quân Ấn Độ hiện có 8 máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Boeing để phục vụ cho việc tuần tra trên Ấn Độ Dương.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962 sau một loạt cuộc giao tranh quy mô nhỏ tại khu vực biên giới. Cuộc chiến sau đó kết thúc trong bế tắc dù quân đội Trung Quốc được cho là chiếm ưu thế hơn.

Tuy nhiên, Ấn Độ được cho là đã rút ra được các bài học từ những sai lầm trong quá khứ và hiện đã có thể phòng vệ tốt hơn trước Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong từ Macau nói rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đánh giá thấp đối thủ.

“Nếu xung đột biên giới lan ra cả trên biển, sẽ rất khó để quân đội Trung Quốc có thể đánh bại Hải quân Ấn Độ do lực lượng này đã mạnh hơn nhiều kể từ khi mua các máy bay săn ngầm P-8A Poseidon”, chuyên gia Wong Dong nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP