1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính khách Ấn Độ "nghiện" ngoại giao trên mạng xã hội

(Dân trí) - Nền ngoại giao Ấn Độ hiện nay đã vận động theo xu hướng cởi mở và tăng cường tính tương tác sau khi chính phủ nước này quyết định áp dụng mạng xã hội vào việc giao tiếp với người dân để giúp giải quyết các công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn.


Trang mạng xã hội Twitter của Thủ tướng Narendra Modi ở thời điểm cán mốc 20 triệu lượt người theo dõi (Ảnh: Indian Express)

Trang mạng xã hội Twitter của Thủ tướng Narendra Modi ở thời điểm "cán mốc" 20 triệu lượt người theo dõi (Ảnh: Indian Express)

Trong số các phương thức giao tiếp nhanh chóng và hiệu quả trên thế giới hiện nay, mạng xã hội là một trong những phương thức chính. Theo đó, chính phủ Ấn Độ không chỉ thích nghi nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghệ mới này và áp dụng điều đó vào việc kết nối với người dân, mà Ấn Độ còn là quốc gia đi đầu trong dòng chảy mạng xã hội khi sở hữu những tài khoản Twitter có lượng người theo dõi đông đảo nhất thế giới.

Để có thể kết nối với người dân trong những tình huống khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các công việc liên quan tới các văn bản hay hộ chiếu, giúp đỡ người nước ngoài tại Ấn Độ, đồng thời trở thành một kênh liên lạc giao tiếp với các lãnh đạo thế giới, chính phủ Ấn Độ thường xuyên sử dụng hashtag #Ngoại giao trên mạng xã hội Twitter.

Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa chính phủ và người dân, các quan chức cấp cao và các nhà ngoại giao Ấn Độ đã thuần thục kỹ năng viết 140 ký tự khi muốn truyền tải thông điệp trên Twitter. Ấn Độ cũng nằm trong số ít các quốc gia có các phái đoàn ngoại giao và các nhà ngoại giao hoạt động tích cực trên Twitter nhằm cung cấp các thông tin đối ngoại, đồng thời hỗ trợ người Ấn Độ đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Vai trò đi đầu của Thủ tướng Narendra Modi


Thủ tướng Modi (trái) đăng bức ảnh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi tặng cùng chữ ký lên Instagram nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Israel. (Ảnh: Instagram)

Thủ tướng Modi (trái) đăng bức ảnh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi tặng cùng chữ ký lên Instagram nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Israel. (Ảnh: Instagram)

Tại Ấn Độ, cuộc thay đổi mang tính cách mạng do chính phủ và ngành ngoại giao nước này thực hiện đối với các nền tảng mạng xã hội chính thức bắt đầu từ tháng 5/2014 sau khi ông Narendra Modi nhậm chức thủ tướng. Không chỉ bản thân Thủ tướng Modi mà toàn bộ chính phủ của ông đều tích cực hoạt động trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram. Thủ tướng Modi coi mạng xã hội như một kênh liên lạc để chính phủ có thể giao lưu trực tiếp với người dân và nhận phản hồi từ họ ngay lập tức.

Chỉ trong vòng 3 năm, với con số 32,1 triệu người theo dõi, Thủ tướng Modi đã lọt vào nhóm 3 nhà lãnh đạo thế giới được theo dõi nhiều nhất trên Twitter, chỉ xếp sau Giáo hoàng Francis và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Còn nếu tính riêng ở khu vực châu Á, ông Modi là nhà lãnh đạo được theo dõi đông đảo nhất trên Twitter.

Không chỉ trên Twitter, Thủ tướng Modi cũng là nhà lãnh đạo được theo dõi nhiều nhất và hoạt động tích cực nhất trên Instagram với 6,8 triệu người theo dõi, gần bằng Tổng thống Trump với 6,3 triệu người theo dõi. Trong khi đó, trang Facebook của Thủ tướng Ấn Độ có 42.119.451 người theo dõi.

Thủ tướng Modi thường sử dụng các trang mạng xã hội để thông báo về các chuyến công du nước ngoài của ông và thảo luận về các vấn đề mà ông quan tâm. Ông cũng sẵn lòng nhận phản hồi từ người dân về những vấn đề mà họ quan tâm thông qua mạng xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg năm 2015, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng xã hội đối với chính phủ của ông. Theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, mạng xã hội giúp chính phủ nước này kết nối trực tiếp với người dân và nhận phản hồi từ chính họ.

Ngoại trưởng đi tiên phong

Tài khoản Twitter của Ngoại trưởng Sushma Swaraj với số người theo dõi nhiều nhất trong số các ngoại trưởng trên thế giới (Ảnh: Indian Express)
Tài khoản Twitter của Ngoại trưởng Sushma Swaraj với số người theo dõi nhiều nhất trong số các ngoại trưởng trên thế giới (Ảnh: Indian Express)

Cũng nhờ mạng xã hội, nền ngoại giao Ấn Độ đã chuyển biến từ phong cách khép kín và thủ cựu sang khuynh hướng tích cực và mang tính tương tác cao hơn. Khởi xướng từ Ngoại trưởng Sushma Swaraj, hiện tất cả các đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao của Ấn Độ đều hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội.

Vượt qua ngoại trưởng của tất cả các nước trên thế giới, bà Swaraj hiện là ngoại trưởng được theo dõi nhiều nhất trên Twitter với 8,75 triệu người theo dõi. Trong khi đó, trang Twitter của Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện đứng thứ ba trong số các cơ quan ngoại giao trên toàn thế giới với 1,42 triệu lượt theo dõi.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thiết lập cơ chế xử lý vụ việc thông qua mạng xã hội Twitter nhằm mục đích hỗ trợ người dân. Theo đó, sau khi nhận được khiếu nại từ người dân trên Twitter, Bộ Ngoại giao sẽ vào cuộc để bắt đầu xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ và các vấn đề thường được giải quyết trong vài giờ sau đó. Tất cả các tin nhắn đều được tiếp nhận và giải quyết với tốc độ khẩn trương nhất có thể.

Những việc làm trên không chỉ giúp chính phủ Ấn Độ tạo lòng tin cho người dân, mà còn góp phần hình thành môi trường quản trị hiệu quả cho chính quyền, trao quyền lực cho người dân, loại bỏ tình trạng quan liêu và giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn.

Trang Twitter của Ngoại trưởng Swaraj hoạt động 24/7 với rất nhiều hoạt động tương tác giữa người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ với công chúng. Bà Swaraj thường sử dụng Twitter để hỗ trợ người dân Ấn Độ và khách nước ngoài đang cần sự trợ giúp. Twitter của bà luôn tràn ngập phản hồi từ cả người dân trong nước lẫn du khách nước ngoài về một loạt vấn đề liên quan tới ngoại giao như hộ chiếu, thị thực hay các đề nghị cứu trợ.

Ngoại trưởng Swaraj nổi tiếng là người phản hồi các đề nghị của người dân rất nhanh, thậm chí cả vào những khung giờ đặc biệt như 2 hay 4 giờ sáng. Bà cũng sử dụng mạng xã hội để truyền tải các thông điệp chính trị tới chính phủ nước ngoài.

Nền ngoại giao Twitter

Câu chuyện thành công của Ấn Độ trong việc ứng dụng mạng xã hội vào hoạt động của chính phủ không chỉ thể hiện ở số lượng người theo dõi ngày càng tăng mà ở số lượng các vấn đề được giải quyết hiệu quả với tốc độ xử lý nhanh chóng thông qua các mạng xã hội này.

Do chính phủ hoạt động tích cực trên mạng xã hội nên người dân Ấn Độ cũng thường xuyên được cập nhật về tình hình đối ngoại của đất nước, như việc chính phủ gửi tàu hải quân tới Maldives, phản ứng nhanh với trận động đất ở Nepal, hỗ trợ Afghanistan trong quá trình phát triển và tái thiết đất nước,…

Mạng xã hội cũng là cách để nhà lãnh đạo Ấn Độ kết nối với các nhà lãnh đạo thế giới, bên cạnh các nghi thức truyền thống. Thủ tướng Modi đã sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, như sử dụng Weibo để kết nối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sử dụng Twitter để kết nối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và chúc mừng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu…

Nhờ mạng xã hội, nền ngoại giao Twitter đã trở thành diện mạo mới của nền ngoại giao Ấn Độ với phương châm: nhanh chóng, vui vẻ và hiệu quả.

Thành Đạt

Tổng hợp