1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine khẩn thiết đề nghị phương Tây viện trợ xe tăng?

Minh Phương

(Dân trí) - Với niềm tin có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột, Ukraine đang tha thiết đề nghị các đồng minh phương Tây viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất với khả năng tấn công mạnh mẽ.

Vì sao Ukraine khẩn thiết đề nghị phương Tây viện trợ xe tăng? - 1

Một xe tăng Leopard 2 của Đức (Ảnh: Getty).

Xe tăng Leopard 2 là gì?

Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực do Đức sản xuất với tầm hoạt động khoảng 500km. Loại vũ khí này được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1979 và có tốc độ tối đa 68km/h. Ngoài súng nòng trơn 120mm làm vũ khí chính, Leopard 2 còn được trang bị hai súng máy hạng nhẹ đồng trục.

Không chỉ được biên chế trong quân đội Đức, Leopard 2 còn được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Xe tăng đã được triển khai ở Kosovo, Bosnia, Afghanistan và Syria (bởi Thổ Nhĩ Kỳ), nơi một số xe tăng đã thất bại trước tên lửa chống tăng.

Vì sao Ukraine muốn có Leopard 2?

Ukraine cho biết họ có nhu cầu cấp thiết về thiết giáp mạnh hơn trong cuộc xung đột với Nga. Kiev có số lượng xe tăng hạn chế, hầu hết là từ thời Liên Xô hoặc hậu Xô Viết.

Ukraine gần đây tin rằng Moscow sắp tiến hành một cuộc tấn công mới quan trọng trong những tháng tới. Kiev và nhiều đồng minh nhận định, cuộc xung đột sẽ kết thúc nhanh hơn nếu Nga bị đánh bại trong các cuộc phản công của chính Ukraine. Mặc dù Ukraine đã giành được những bước tiến quan trọng, trong trận chiến ở Kiev cũng như ở tỉnh Kharkov và xung quanh khu vực Kherson phía nam, quân đội của họ vẫn gặp khó bởi tình trạng thiếu xe tăng trong khi lực lượng Nga tăng cường điều động những chiếc T-90 hiện đại với nhiều tính năng hơn.

Nguồn cung dồi dào sẵn có của Leopard, bao gồm ở cả nước láng giềng Ba Lan - quốc gia cũng muốn cung cấp loại xe tăng này cho Ukraine, khiến chúng trở nên phù hợp với Kiev. Ukraine cho biết, họ cần 300 xe tăng, trong khi các nhà phân tích phương Tây đánh giá, chỉ cần 100 chiếc là có thể làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Lý do Ukraine chưa được viện trợ Leopard 2

Bởi vì loại xe tăng này được cung cấp cho các quốc gia theo giấy phép xuất khẩu, Đức có thể phủ quyết việc tái xuất khẩu. Ba Lan hôm 19/1 đã đề xuất rằng họ có thể bỏ qua Đức và xuất khẩu Leopard của mình. Mặc dù Đức đã cung cấp một lượng lớn thiết bị cho Ukraine, bao gồm cả xe bọc thép, nhưng họ muốn cách tiếp cận đa phương trong việc viện trợ Kiev hơn là bị coi hành động đơn phương.

Hơn nữa, Berlin lo ngại, việc chuyển các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine sẽ bị coi là leo thang căng thẳng do đây là khí tài hạng nặng có khả năng tấn công rất mạnh.

Đức đã cố gắng đẩy việc cung cấp Leopard cho một liên minh lớn hơn, mà liên minh này rất có thể sẽ viện trợ các loại xe tăng khác, bao gồm cả Abram của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, xe tăng Abram ít phù hợp hơn với cuộc chiến ở Ukraine vì tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Giới chức Mỹ cũng giải thích, họ chưa thể cấp xe tăng Abram cho Kiev bởi xe tăng này khó bảo dưỡng và đòi hỏi huấn luyện vận hành.

Tại sao có quốc gia không muốn viện trợ Leopard 2 cho Ukraine?

Những bên phản đối tin rằng, cung cấp xe tăng Leopard 2 đồng nghĩa là các quốc gia NATO đang gia tăng can thiệp vào cuộc xung đột, từ đó làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng. Ukraine cho biết, họ sẽ chỉ sử dụng xe tăng trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.

Về phía Nga, Điện Kremlin cảnh báo, việc phương Tây viện trợ xe tăng chỉ kéo theo những hậu quả tiêu cực cho Ukraine, trong khi không thể thay đổi cục diện chiến sự.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine