1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ukraine đặt điều kiện "đảm bảo an ninh" để chấm dứt xung đột?

Thành Đạt

(Dân trí) - Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình vẫn đang diễn ra song chưa có kết quả đột phá, Ukraine đã đặt điều kiện "đảm bảo an ninh" để đạt được một thỏa thuận với Nga.

Vì sao Ukraine đặt điều kiện đảm bảo an ninh để chấm dứt xung đột? - 1

Binh sĩ Ukraine trên xe bọc thép ở thủ đô Kiev, Ukraine (Ảnh: AP).

Trong cuộc đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tuần này, các quan chức Ukraine cho biết Kiev sẵn sàng tuyên bố trung lập vĩnh viễn, từ bỏ hy vọng gia nhập NATO và đáp ứng yêu cầu then chốt của Moscow. Các nhà đàm phán Ukraine cũng cho biết, họ sẵn sàng thảo luận về các yêu cầu lãnh thổ của Nga, nhưng với điều kiện Kiev phải được "đảm bảo an ninh" từ một nhóm các quốc gia khác.

Các quan chức Ukraine đề xuất một thỏa thuận, trong đó một nhóm quốc gia - có thể bao gồm các nước thành viên NATO như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức - sẽ cam kết bảo vệ Ukraine nếu Kiev bị tấn công. Đối với một số nhà phân tích an ninh, đề xuất này có nhiều điểm tương đồng với quy tắc phòng vệ tập thể của NATO.

Theo hiệp ước của NATO, liên minh này sẽ "kích hoạt" Điều 5, tức hành động quân sự tập thể, khi một hay nhiều thành viên của khối bị tấn công quân sự. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 31/3 tuyên bố, nước này về nguyên tắc có thể giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine. Các quốc gia khác có thể cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Tuy nhiên, yêu cầu của Ukraine khiến nhiều người ở Washington bất ngờ và một số nhà ngoại giao Mỹ phải đưa ra cảnh báo. Câu hỏi được đặt ra là liệu một thỏa thuận đảm bảo an ninh như vậy sẽ được triển khai như thế nào và Điện Kremlin có chấp thuận hay không.

Nhà đàm phán cấp cao của Ukraine, Mykhailo Podolyak, nói với đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/3 rằng, các đảm bảo an ninh có thể giúp chấm dứt chiến tranh.

Ông Podolyak cho biết những quốc gia được gọi là bên bảo lãnh sẽ có nghĩa vụ pháp lý theo luật pháp quốc tế, sẵn sàng cung cấp vũ khí, quân nhân hoặc trợ giúp tài chính nếu xung đột liên quan đến Ukraine nổ ra. Ông cũng cho biết các cuộc đàm phán sơ bộ đã được tiến hành với Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định các nước này đã thể hiện sẵn sàng chấp thuận các điều khoản theo đề xuất của Ukraine.

"Ý nghĩa của thỏa thuận này như sau: Một quốc gia nếu có ý định tấn công Ukraine sẽ biết trước rằng, Ukraine không đơn độc. Các quốc gia khác cùng quân đội và vũ khí của họ đang sát cánh với Ukraine", ông Podolyak nói.

Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là sự miễn cưỡng của các cường quốc phương Tây khi phải vướng vào một cuộc xung đột vũ trang với Nga. Hiện chưa rõ có bất kỳ quốc gia nào được ông Podolyak đề cập đã ký cam kết hay có kế hoạch đảm bảo an ninh cho Ukraine hay không. Khẳng định của ông Podolyak về việc các nước này sẵn sàng bảo vệ Ukraine trước Nga trong tương lai cũng chưa được xác nhận.

Viễn cảnh các nước bên ngoài cam kết bảo vệ Ukraine cũng là một trong những mối lo ngại chính mà Nga từng nêu ra trước khi triển khai chiến dịch quân sự. Điện Kremlin nhiều lần phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO, thậm chí coi đây là vấn đề sống còn. Nga tuyên bố, việc Ukraine duy trì trạng thái trung lập là một trong những điều kiện tiên quyết để hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt xung đột.

Theo Ian Bond, cựu quan chức ngoại giao Anh tại Nga, một vấn đề liên quan tới trạng thái trung lập của Ukraine là mặc dù Kiev muốn các quốc gia đảm bảo an ninh cho họ, song cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào đồng ý làm như vậy. Ông Bond nhận định, điều này cũng tương tự việc Ukraine được trao tư cách thành viên NATO với quy chế phòng thủ tập thể và kịch bản này rất khó xảy ra.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine