1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ukraine cải tổ nội các quy mô lớn giữa giai đoạn chiến sự nóng bỏng?

Dương Đăng

(Dân trí) - Theo các nhà phân tích, việc cải tổ nội các quy mô lớn của Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước nhưng bị trì hoãn do một số yếu tố.

Vì sao Ukraine cải tổ nội các quy mô lớn giữa giai đoạn chiến sự nóng bỏng? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4/9 tuyên bố, Ukraine cần "nguồn năng lượng mới" khi ông ra lệnh cải tổ chính phủ vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng cộng 6 bộ trưởng đã đệ đơn từ chức, trong đó quốc hội Ukraine chấp nhận đơn từ chức của 4 người, bao gồm Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska, Bộ trưởng Sinh thái Ruslan Strilets, và Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập châu  Âu Olha Stefanishyna.

"Chúng ta cần nguồn năng lượng mới, những bước đi này là để củng cố nhà nước theo các hướng khác nhau", Tổng thống Zelensky trả lời giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Simon Harris.

Quốc hội Ukraine hôm nay 5/9 đã chấp nhận đơn từ chức của Ngoại trưởng Kuleba.

Sau Tổng thống Zelensky, ông Kuleba là gương mặt nổi bật nhất của Ukraine trên chính trường quốc tế. Ông đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo khắp thế giới, kêu gọi hỗ trợ quân sự và chính trị cho Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng, Ukraine đã lên kế hoạch cải tổ chính phủ từ trước, nhưng bị hoãn lại vì ông Zelensky tập trung vào các cuộc đàm phán với các đồng minh phương Tây để đảm bảo viện trợ quân sự và tài chính.

Ông Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích chính trị ở Kiev, nhận định: "Đây là một cuộc đại tu nhân sự theo kế hoạch của chính phủ. Bây giờ một nửa chính phủ sẽ được đổi mới. Đây là phong cách của ông Zelensky. Ông ấy tin bộ trưởng mới sẽ mang lại năng lượng mới, cách tiếp cận mới và có hoạt động tích cực hơn. Đó chính xác là những gì ông ấy mong đợi".

Tuy nhiên, ông Fesenko không cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại khi quốc hội chấp nhận đơn từ chức của Ngoại trưởng Kuleba.

Nga cũng đánh giá những thay đổi của chính phủ Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hòa bình dưới bất kỳ hình thức nào. Dù vậy, các cuộc đàm phán dường như là một viễn cảnh xa vời khi cả hai bên tham chiến có khác biệt quá lớn về mục tiêu.

Khoảng thời gian vài tháng tới sẽ là chìa khóa đối với Tổng thống Zelensky khi ông phải tìm cách giành thêm sự ủng hộ từ phương Tây và lấy lại thế chủ động trong cuộc đọ sức với Nga.

Cuối tháng này, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ tới Mỹ, nơi ông sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ Joe Biden một "kế hoạch chiến thắng".

Các lực lượng Nga đang tiến công ở miền đông Ukraine trong khi quân đội Ukraine thực hiện một cuộc đột kích táo bạo vào khu vực Kursk của Nga.

Giới phân tích cho biết, nguồn nhân lực của Ukraine bị hạn chế và dự kiến một số bộ trưởng sắp mãn nhiệm sẽ được tái bổ nhiệm vào vai trò mới.

Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược sắp mãn nhiệm Oleksandr Kamyshin, người giám sát khâu sản xuất vũ khí nội địa của Ukraine, khẳng định ông sẽ đóng một vai trò khác trong lĩnh vực quốc phòng.

Theo, nhà lập pháp Yaroslav Zheleznyak, quốc hội sẽ tiếp tục xem xét việc từ chức và bổ nhiệm vào ngày 5/9. 

Theo Dương Đăng
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine