1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Triều Tiên vẫn “bình an vô sự” trước dịch corona?

(Dân trí) - Triều Tiên là một trong những nước hiếm hoi trong khu vực chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus corona, bất chấp sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh này.

Vì sao Triều Tiên vẫn “bình an vô sự” trước dịch corona? - 1

Nhân viên mặc đồ bảo hộ xuất hiện tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 1/2. (Ảnh: Kyodo News)

 

Hai tháng kể từ khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, gần như mọi quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á đều xác nhận ít nhất một trường hợp nhiễm virus. Tuy nhiên, danh sách này không có Triều Tiên.

Theo các tuyên bố công khai chính thức, Triều Tiên được cho là đã thành công trong việc ngăn chặn virus corona, mặc dù nước này nằm sát cạnh Trung Quốc đại lục - nơi có tới hơn 600 người tử vong và hơn 31.000 ca nhiễm virus.

Hơn 300 người đã được xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới tại hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm hai nước có chung biên giới với Triều Tiên là Nga và Hàn Quốc.

Gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong bán kính 2.500 km với Triều Tiên, ngoại trừ một đất nước thưa dân là Mông Cổ, đều xác nhận ít nhất một trường hợp nhiễm virus corona chủng mới.

Theo CNN, hiện chưa rõ bằng cách nào Triều Tiên có thể “bình an vô sự” trước dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan ngày càng nhanh này. Việc không có trường hợp nào nhiễm virus corona cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã rất may mắn, hoặc đang được hưởng lợi ích từ việc là một quốc gia khép kín.

Mặc dù Triều Tiên chưa công bố bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm virus corona, nhưng Giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc, người từng đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), cho rằng có khả năng có ai đó tại Triều Tiên, đất nước với 25 triệu dân, đã bị nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định cách thức lây lan của virus corona chủng mới, nhưng virus này được cho là không tồn tại trong không khí. Hiện cũng chưa rõ liệu virus corona có thể lây nhiễm qua chất bài tiết, hay liệu các bệnh nhân nhiễm bệnh có thể lây cho người khác ngay cả khi họ chưa phát triệu chứng hay không.

Trong khi đó, Giáo sư Nam nghi ngờ một bệnh nhân Trung Quốc có thể đã lây nhiễm virus corona cho một ai đó từ Triều Tiên tại khu vực biên giới chung của hai nước.

“Chúng ta biết rằng những khu vực tại Trung Quốc rất gần với biên giới Triều Tiên, chẳng hạn Đan Đông hay Thẩm Dương, đều đã xác nhận có bệnh nhân nhiễm virus. Khoảng 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc. Chúng ta cũng biết rất nhiều người dân, xe tải và tàu hỏa đi qua biên giới hai nước trước khi Triều Tiên gần đây thiết lập các quy định để ngăn chặn virus corona xâm nhập vào nước này”, ông Nam cho biết.

Mặc dù chưa công bố bất kỳ ca nhiễm hoặc nghi nhiễm virus corona nào, song Triều Tiên được cho là rất minh bạch trong việc công khai những nỗ lực của nước này khi ngăn chặn virus corona. Theo các bản tin do hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) công bố, Bình Nhưỡng dường như nghiêm túc trong việc đối phó với dịch corona.

Theo một hãng lữ hành chuyên điều hành tour tại Triều Tiên, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới với toàn bộ khách du lịch nước ngoài, trong đó phần lớn là người Trung Quốc, để phòng ngừa virus lây lan.

Ngày 30/1, KCNA đưa tin các nhà chức trách Triều Tiên đã ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và các cơ sở chống dịch đã được thiết lập trên cả nước. Ngày 3/2, KCNA thông báo tất cả những người nhập cảnh vào Triều Tiên sau ngày 13/1 đều được đặt dưới “sự giám sát y tế”.

Theo KCNA, giới chức y tế Triều Tiên đã thiết lập “hệ thống mẫu xét nghiệm toàn quốc” và đủ khả năng chẩn đoán nhanh các trường hợp nghi nhiễm virus corona.

Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về năng lực xét nghiệm các trường hợp nhiễm virus corona của Triều Tiên. Ngoài ra, sự bí ẩn và khép kín của Triều Tiên cũng đặt ra nhiều nghi vấn về việc liệu nước này có thực sự ngăn chặn thành công virus corona hay không.

“Triều Tiên có nguồn cung hạn chế những loại thuốc cơ bản mà giới chức y tế nước này cần để tập trung phát triển thuốc ngăn ngừa virus. Họ cũng không có đủ trang thiết bị để đối phó với bất kỳ dịch bệnh nào kiểu như vậy”, Jean Lee, chuyên gia tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp