1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Triều Tiên đối mặt nguy cơ nạn đói?

Thành Đạt

(Dân trí) - Điều tra viên của Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng tăng và có nguy cơ xảy ra nạn đói.

Vì sao Triều Tiên đối mặt nguy cơ nạn đói? - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm nông trại (Ảnh: KCNA).

Trong báo cáo gửi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được công bố hôm 13/10, điều tra viên Tomás Ojea Quintana cho biết ngành nông nghiệp của Triều Tiên dường như đang phải đối mặt với nhiều thách thức do hoạt động nhập khẩu phân bón và các mặt hàng nông nghiệp khác từ nước láng giềng Trung Quốc bị hạn chế, tác động từ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, và sự bùng phát của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Quintana cũng cho biết, các biện pháp chống dịch Covid-19 kéo dài và nghiêm ngặt kể từ tháng 1/2020 cũng dẫn đến "những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế" cho Triều Tiên. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa hoàn toàn biên giới, hạn chế đi lại giữa các thành phố và các khu vực, đồng thời hạn chế nhập khẩu các hàng hóa không thiết yếu bao gồm hàng hóa nhân đạo.

Trước đại dịch Covid-19, ông Quintana cho biết hơn 40% người dân Triều Tiên "không được đảm bảo lương thực", trong đó nhiều người bị suy dinh dưỡng. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, con số này hiện tăng lên. Ông Quintana lấy dẫn chứng là giá gạo và ngô ở các khu vực khác nhau tại Triều Tiên đều tăng trong tháng 6 và chính phủ đã phải ban hành các biện pháp khẩn cấp.

Truyền thông Triều Tiên ngày 11/10 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi các quan chức nước này vượt qua "tình hình ngặt nghèo" và "những khó khăn chưa từng có" mà đất nước đang phải đối mặt. Ông Kim Jong-un cũng kêu gọi những nỗ lực mạnh mẽ hơn để cải thiện điều kiện sống và vấn đề lương thực của người dân.

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập đảng Lao động cầm quyền trong tuần này, ông Kim Jong-un khẳng định quyết tâm của đảng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy "nền kinh tế và giải quyết các vấn đề về cơm ăn, áo mặc và nhà ở của người dân".

Trước đó, trong bài phát biểu kỷ niệm 68 năm ký hiệp định đình chiến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận Triều Tiên đang đối mặt với những khó khăn giống như "thời chiến". Hồi tháng 4, ông Kim Jong-un mô tả tình hình ở Triều Tiên là "tồi tệ nhất trong lịch sử".

Hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đang phải đối mặt với tình hình lương thực "căng thẳng" do đại dịch Covid-19 và các trận bão vào năm ngoái. Ông Kim Jong-un thậm chí còn so sánh những khó khăn mà Triều Tiên đang trải qua với nạn đói vào những năm 1990.

Khó khăn bủa vây

Vì sao Triều Tiên đối mặt nguy cơ nạn đói? - 2

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: AP).

Theo điều tra viên của Liên Hợp Quốc, kể từ khi Triều Tiên áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch Covid-19, người dân Triều Tiên đối mặt với tình cảnh khó khăn hơn. Ông Quintana cho biết "các gia đình không còn đủ khả năng để tự nuôi sống họ", buộc phải vay mượn nhiều hơn và bán bớt các vật dụng trong nhà.

"Nhiều nhà máy và khu mỏ đã phải đóng cửa vì thiếu điện, linh kiện máy móc và nguyên liệu thô. Số lượng người vô gia cư, trẻ em đường phố gia tăng và các vấn đề xã hội cũng phát sinh nhiều hơn do kinh tế khó khăn", ông Quintana nói thêm.

Ông Quintana cho biết chính phủ Triều Tiên đã huy động người dân tăng cường sản xuất nông nghiệp và làm việc trong các trang trại. Tuy nhiên, các trận lũ lụt vào đầu tháng 8 và tình trạng thiếu phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu cho xe cộ và vật tư nông nghiệp "có khả năng đã ảnh hưởng đến sản xuất lương thực" tại Triều Tiên. Lũ lụt gây thiệt hại cho hơn 1.000 ngôi nhà, buộc hàng nghìn người phải di tản và phá hủy mùa màng.

Việc đóng cửa biên giới khiến hoạt động thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đồng minh láng giềng được xem là huyết mạch kinh tế của Bình Nhưỡng, bị ngưng trệ suốt nhiều tháng. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính nền kinh tế của Triều Tiên năm 2020 bị suy giảm mạnh nhất trong 23 năm.

Hàng loạt khó khăn "bủa vây" khiến Triều Tiên đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói. Tháng trước, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên đang thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay, đồng thời cảnh báo nước này có thể trải qua một "thời kỳ khắc nghiệt". Trong khi đó, một tổ chức tư vấn ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên có thể thiếu khoảng 1,3 triệu tấn lương thực.

Ngoài khó khăn về dịch bệnh và kinh tế, Triều Tiên còn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Theo tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Bình Nhưỡng cũng đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động nhập khẩu hàng hóa xa xỉ.

Tình hình lương thực ở Triều Tiên được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nước này chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19. 

Ông Quintana kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn "ảnh hưởng tiêu cực đến việc hỗ trợ nhân đạo" cho Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ trong hơn 2 năm do bất đồng về quan điểm giữa 2 bên. Triều Tiên muốn Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt do Washington dẫn đầu, trong khi Mỹ đòi hỏi các bước quan trọng từ phía Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa.

Triều Tiên đã tăng cường hoạt động thử tên lửa trong những tuần gần đây, trong khi đưa ra các đề nghị hòa bình có điều kiện với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng được cho là muốn gây sức ép với Seoul để đạt được thỏa thuận với Mỹ.

"Đây là thời điểm để gửi những tín hiệu rõ ràng, có hành động cụ thể và tìm ra những cách sáng tạo để tạo động lực cho tiến trình ngoại giao đang bị đình trệ, nhằm đảm bảo một giải pháp hòa bình cho căng thẳng và có thể bao gồm việc công bố một tuyên bố hòa bình giữa các bên", ông Quintana cho biết.