Vì sao nước Mỹ hay xảy ra xả súng hàng loạt?
(Dân trí) - Mỹ là quốc gia xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất trên thế giới và các vụ xả súng tại đây cũng có những điểm khác biệt, một khảo sát mới đây cho biết.
Với hành động xả súng ở hộp đêm dành cho người đồng tình ở Orlando khiến 50 người thiệt mạng, Omar Mateen chính thức gia nhập nhóm những kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 1966 đến 2012, Mỹ xảy ra 90 vụ xả súng hàng loạt, chiếm gần 1/3 số vụ xả súng hàng loạt trên thế giới. Khảo sát cũng chỉ ra, trong khi Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới thì họ chiếm tới 31% trong tổng số 292 vụ xả súng hàng loạt ở nơi công cộng của toàn thế giới trong giai đoạn này.
Một vụ chỉ coi là xả súng hàng loạt khi số nạn nhân không dưới 4 người, song không bao gồm hoạt động thanh trừng giữa các bang đảng hay thảm sát các thành viên trong một gia đình. Có thể kể đến như vụ tấn công ở hộp đêm Orlando sáng 12/6 - một trong những vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - hay các vụ khác như xả súng tại rạp phim ở Colorado và tấn công trường tiểu học Sandy Hook năm 2012.
Các vụ xả súng tại Mỹ khác gì với thế giới?
(Ảnh minh họa: Getty)
Nghiên cứu lại các vụ xả súng ở Mỹ, ông Adam Lankford, phó giáo sư về vấn đề tư pháp tại Đại học Alabama, nhận thấy có rất ít điểm chung giữa các vụ việc ở Mỹ và các nước trên thế giới.
Theo đó, tại Mỹ, người ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của một vụ xả súng nhiều hơn khi ở cơ quan hay trường học. Trong khi đó ở các nước khác, những vụ xả súng thường xảy ra gần các cơ sở quân sự.
Trong hơn một nửa số vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, thủ phạm đều mang theo ít nhất 2 khẩu súng. Trong khi đó, trên thế giới, hung thủ thường chỉ mang theo 1 khẩu súng.
Ngoài ra, tại Mỹ, trung bình số nạn nhân trong các vụ xả súng hàng loạt khoảng xấp xỉ 7, so với mức trung bình xấp xỉ 9 tại 171 quốc gia khác mà ông Lankford nghiên cứu khảo sát.
Ông Lankford cho rằng, sở dĩ số nạn nhân trong các vụ xả súng ở Mỹ ít hơn là bởi cảnh sát Mỹ thường xuyên được huấn luyện ứng phó với các tình huống kiểu này.
Những kịch bản lặp lại
Mỹ là quốc gia sử dụng súng nhiều nhất thế giới, với ước tính khoảng 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu thông. (Ảnh minh họa: Getty)
Một nghiên cứu chỉ ra, nguyên nhân đằng sau các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ là nhiều thủ phạm có vấn đề về thần kinh. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác chỉ ra số trường hợp có vấn đề về thần kinh không tăng nhiều trong khi số vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ thì tăng vọt. Cụ thể, chỉ từ năm 2011 đến 2014, số vụ tấn công kiểu này tăng gấp 3 lần. Khảo sát của Đại học Harvard cho biết, trong thời gian đó, các vụ tấn công ở nơi công cộng xảy ra trung bình 64 ngày một lần, so với cách đó 29 năm thì là 200 ngày/lần.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các vụ xả súng hàng loạt cũng có tính chất “lây lan”, một vụ giết người hay xả súng làm tăng nguy cơ các vụ khác tương tự có thể xảy ra trong vòng 2 tuần sau đó. Điều này càng đúng hơn với Mỹ bởi việc sở hữu súng đạn ở đây đơn giản hơn ở các quốc gia khác.
Mỹ là quốc gia sử dụng súng nhiều nhất thế giới, với ước tính khoảng 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu thông, nói cách khác tính bình quân đầu người thì gần như công dân nào của Mỹ cũng sở hữu một khẩu súng. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với 46 triệu khẩu súng lưu thông, tuy nhiên Ấn Độ không nằm trong top 5 quốc gia xảy ra nhiều vụ xả súng nhất thế giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy các biện pháp kiểm soát súng đạn cũng có tác động đáng kể giúp giảm các vụ liên quan đến bạo lực súng đạn. Ví dụ, từ năm 1987 đến 1996, Úc xảy ra 4 vụ xả súng hàng loạt. Trước sức ép của dư luận, Quốc hội nước này đã thông qua đạo luận kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn và kể từ đó Úc không ghi nhận thêm vụ xả súng hàng loạt nào.
Minh Phương
Tổng hợp