Vì sao nhiều người Trung Quốc tìm đường đến Anh?
(Dân trí) - Theo số liệu của Viện chính sách di trú (MPI), trong số 258 triệu di dân toàn cầu thì có tới gần 10 triệu người Trung Quốc.
Ngày 23/10, cảnh sát Anh cho biết 39 người bị phát hiện đã chết trong thùng đông lạnh ở khu công nghiệp Waterglade, Essex, Anh. Giới chức Anh sau đó cho hay 39 nạn nhân, bao gồm 31 đàn ông và 8 phụ nữ, có thể là các công dân Trung Quốc.
Hiện có rất ít thông tin về danh tính của các nạn nhân cũng như cách thức và tại sao họ lại ở trên một thùng hàng đông lạnh vận chuyển xuyên quốc gia như vậy. Giới chức Anh và Bỉ đã mở một cuộc điều tra để tìm ra câu trả lời cho vụ việc gây chấn động này.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao những công dân từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, lại tìm đường đến Anh bằng cách đó - trên chuyến xe “tử thần”.
Theo số liệu của Viện chính sách di trú (MPI), trong số 258 triệu di dân toàn cầu thì có tới gần 10 triệu người Trung Quốc. Với con số này, Trung Quốc là quốc gia có số dân di cư nhiều thứ 4 thế giới. Trong đó, gần 2,5 triệu người định cư ở Mỹ, 712.000 người ở Canada và 473.000 người ở Australia.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã giúp Trung Quốc mở rộng đáng kể “dấu ấn cả về kinh tế và địa chính trị trên khắp thế giới”, MPI nhận định.
Ví dụ, năm 2018, Anh đã cấp hơn 730.000 thị thực cho công dân Trung Quốc, tương ứng chiếm 25% trong tổng số 2,9 triệu thị thực, và tăng 11% so với năm 2017.
Họ là ai?
Những người Trung Quốc di cư thuộc các tầng lớp khác nhau. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo quan niệm thông thường, những người di cư thường thuộc tầng lớp nghèo nhất trong xã hội, tìm kiếm cơ hội việc làm trình độ thấp hay tìm một nơi an toàn hơn. Song điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt với di dân Trung Quốc.
“Có nhiều kiểu người di cư từ Trung Quốc, có cả người di cư trình độ thấp, trung bình và cao”, Natalia Banulescu-Bogdan, Phó giám đốc chương trình quốc tế của MPI, cho biết. Theo chuyên gia này, điển hình những người di cư đến châu Âu hoặc Mỹ thường không thuộc nhóm “nghèo nhất trong những người nghèo” bởi chi phí di chuyển đến đây không hề ít ỏi. “Nếu nhập cư thông qua các kênh chính thống, người nhập cư cần bỏ chi phí hộ chiếu, thị thực. Nếu không qua các kênh chính thống, những kẻ buôn lậu cũng lấy phí khá cao”.
Nhiều kiểu di cư
Theo giới chuyên gia, di dân Trung Quốc có nhiều kiểu khác nhau khi mà những lao động có trình độ cao sống một cuộc sống khác hoàn toàn so với tầng lớp lao động trình độ thấp.
“Có những con đường nhập cư cho lao động trình độ cao trong lĩnh vực học thuật, khoa học và công nghệ đưa họ đến Mỹ và những quốc gia có thu nhập cao khác. Trong khi đó, những lao động trong ngành xây dựng có thể di cư đến Đông Âu hay châu Phi”, chuyên gia Banulescu-Bogdan nói.
Theo thống kê của MPI, 10-20% di dân Trung Quốc đang ở châu Phi và có sự phân hóa về tầng lớp kinh tế xã hội, nghề nghiệp, tuổi tác, từ các nhà ngoại giao đến nhân viên cứu trợ hay lao động chân tay trong các dự án xây dựng.
Trung Quốc cũng có nhiều du học sinh ở nước ngoài, trong đó gần 100.000 học sinh được cấp thị thực học tập tại Anh. Chuyên gia Christian Dustmann thuộc Trung tâm nghiên cứu và phân tích di trú có trụ sở tại London cho biết, nhiều du học sinh Trung Quốc tại Anh có nguồn gốc từ các gia đình giàu có. “Họ sẵn sàng trả chi phí cao và sống ở những thành phố đắt đỏ như London”, ông Dustmann nói.
Mặt khác, không ít công dân Trung Quốc là nạn nhân của tình trạng nô lệ thời hiện đại tại Anh. Theo báo cáo thường niên năm 2018 của chính phủ Anh, 293 nạn nhân của nạn nô lệ thời hiện đại tại Anh được cho là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Dustmann, số công dân Trung Quốc nhập cư trái phép tại Anh hiện vẫn thấp so với các quốc gia vùng Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Italy chủ yếu do họ khó nhập cư vào Anh hơn.
Bùng nổ kinh tế kéo theo bất bình đẳng thu nhập
Năm 2018, Cơ quan tuần tra biên giới Mỹ đã bắt giữ hơn 1.000 công dân Trung Quốc. Thậm chí, năm 2016, con số này lên tới gần 2.500 người. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều công dân Trung Quốc di cư như vậy.
Cùng với kinh tế phát triển bùng nổ, tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc càng trở nên rõ nét. “Ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc, không phải ai cũng có cơ hội như nhau, có những tầng lớp giàu có trong khi có những nhóm người khó khăn”.
Theo MPI, người Trung Quốc di cư vì nhiều lý do, trong đó có chính trị, chính sách một con và mong muốn du học. Cách thức di cư cũng rất khác nhau. “Không phải tất cả đều có cơ hội di cư như nhau, do vậy tình trạng buôn lậu, buôn người từ đó có điều kiện để xâm nhập, đặc biệt là buôn người”, chuyên gia Banulescu-Bogdan nhận định.
“Một thanh niên muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài có thể tìm đến dịch vụ vận chuyển lậu từ điểm A đến điểm B, nhưng trên đường đi, mối quan hệ đó có thể biến đổi theo chiều hướng cưỡng ép. Một băng nhóm tội phạm có thể kiếm nhiều tiền hơn từ những người này hoặc có nhiều chân rết từ Trung Quốc sang Anh, và có thể liên quan đến nhiều hơn một nhóm. Trên đường đi, một số tài xế thậm chí không biết họ đang chở một “lô hàng” là những người nhập cư”, bà Banulescu-Bogdan cho biết thêm.
Minh Phương
Tổng hợp