1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Trung Quốc đòi Anh chịu trách nhiệm vụ 39 người chết trong xe tải

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích chính quyền Anh vì để xảy ra vụ 39 người chết trong thùng xe tải, đồng thời yêu cầu London phải chịu trách nhiệm.

39 “người Trung Quốc” tử vong trong thùng xe tải tại Anh
Báo Trung Quốc đòi Anh chịu trách nhiệm vụ 39 người chết trong xe tải - 1

Hiện trường vụ 39 thi thể trong thùng chứa xe tải tại Anh (Ảnh: Getty)

 Giới chức Trung Quốc hôm nay 25/10 cho biết họ vẫn đang làm việc để xác nhận danh tính của 39 thi thể, gồm 8 người phụ nữ và 31 người đàn ông, được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh hôm 23/10. Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói rằng họ vẫn đang liên lạc chặt chẽ với cảnh sát Anh để tìm hiểu về vụ việc.

“Đây là một thảm kịch chấn động. Chúng tôi chia buồn sâu sắc với gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, Đại sứ quán Trung Quốc nói với truyền thông nước này hôm nay, đồng thời bày tỏ hy vọng phía Anh sẽ tôn trọng những người đã qua đời và “tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay cũng chỉ trích chính quyền Anh vì không thể ngăn chặn việc tái diễn một thảm kịch tương tự từng xảy ra cách đây 19 năm, khi 58 người Trung Quốc thiệt mạng trong một container tại Dover, Anh.

Trong bài xã luận có tiêu đề: “Anh phải chịu trách nhiệm”, Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, viết: “Hãy tưởng tượng các nước châu Âu sẽ thực hiện các biện pháp triệt để như thế nào nếu hàng chục người châu Âu bị chết theo cách tương tự như vậy? Hãy hỏi Anh và chính quyền châu Âu xem tại sao họ không thể tránh một thảm kịch tương tự sau thảm kịch Dover? Liệu họ đã thực hiện mọi biện pháp khắc phục nghiêm túc mà họ có thể làm hay chưa”.

Hu Xijin, một nhà bình luận nổi tiếng và là tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 24/10 rằng: “Đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra”. Ông Hu đề cập tới thảm kịch tại Dover năm 2000 và vụ 21 người nhập cư Trung Quốc bị chết đuối tại bờ biển Anh năm 2004.

“Tôi không biết liệu những vụ việc này có liên quan tới việc quản trị xã hội của Anh hay không, nhưng những thảm họa nhân đạo vẫn tiếp tục xảy ra tại Anh… Một câu hỏi đơn giản là: Tại sao những thảm họa này luôn xảy ra ở Anh, chứ không phải ở châu Âu hay Mỹ?”, ông Hu bình luận.

Giấc mơ đổi đời

Báo Trung Quốc đòi Anh chịu trách nhiệm vụ 39 người chết trong xe tải - 2

Nông dân Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Theo Tian Ma, nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht với các công trình nghiên cứu tập trung vào các nạn nhân buôn người Trung Quốc, nền kinh tế ngày càng khó khăn của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến nhiều người dân nước này rời bỏ quê nhà để ra nước ngoài. Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ cũng như mức chi tiêu giảm sút tại Trung Quốc đã giáng đòn nặng nề vào lực lượng công nhân, nông dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc.

“Lý do cơ bản là khoảng cách kinh tế. Đây là yếu tố chính. Nếu nhìn vào mức lương trung bình tại Anh để so sánh với mức lương trung bình tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc, thì sẽ thấy khoảng cách này rất lớn. Theo nghiên cứu của tôi, một số người (Trung Quốc) đang bị mắc kẹt trong cảnh nợ nần hoặc các khoản vay nặng lãi. Họ bị dồn ép tới mức phải rời khỏi Trung Quốc”, Tian Ma nhận định.

“Nhập cư bất hợp pháp vẫn tồn tại. Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu ở Trung Quốc quá lớn, trong khi rất khó để tìm công việc tốt. Hàng chục nghìn người, thậm chí hàng trăm nghìn người cạnh tranh cho một công việc như công chức nhà nước. Nếu họ nhập cư thành công, họ có thể kiếm hàng nghìn bảng Anh một tháng, số tiền lên tới hàng chục nghìn Nhân dân tệ. Vì vậy, một số người sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, một người dùng Weibo chia sẻ.

Phụ nữ Trung Quốc thường là những đối tượng dễ bị mắc bẫy buôn người hơn. Họ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những phụ nữ bị tạm giữ tại các trại nhập cư ở Anh trong năm 2018.

Tuy vậy, làn sóng nhập cư từ Trung Quốc không phải lúc nào cũng liên quan tới vấn đề nghèo đói. Người nhập cư từ Trung Quốc vào châu Âu thường xuất thân từ các tỉnh như Phúc Kiến hay Quảng Đông, những khu vực giàu có nhất của Trung Quốc. Đây cũng là nơi bắt nguồn các đường dây buôn người bất hợp pháp từ thập niên 1980 và 2000 do các băng nhóm tội phạm “đầu rắn” Trung Quốc tổ chức.

Trong một số trường hợp, người dân bị lừa hoặc bị ép buộc phải di cư tới châu Âu. Những kẻ buôn người thường dụ dỗ “con mồi” bằng những lời hứa hẹn về công việc tại nước mà họ sắp đến. 

Trong khi các nhà chức trách tăng cường kiểm soát vấn đề nhập cư và các kênh nhập cư truyền thống bị xóa bỏ, nhiều người đã sử dụng các biện pháp tinh vi hơn.

“Họ chuyển sang nhờ cậy những người môi giới hoặc trợ giúp nếu các phương thức nhập cư thông thường không khả thi”, Jade Anderson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm Công lý ở Hong Kong, cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, những người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp rất dễ trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn người. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em Trung Quốc bị cưỡng ép lao động hoặc hoạt động tình dục tại ít nhất 60 nước. Họ làm việc trong các nhà hàng, các nhà máy, cửa hàng, nông trại hoặc các nhà thổ và tiệm mát xa do cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài vận hành. Nhiều người rốt cuộc mắc nợ chính những kẻ buôn người hoặc bị ông chủ lợi dụng khi vẫn đang ở trong tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Thành Đạt

Theo Guardian