1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao người Trung Quốc, Nhật Bản muốn ông Obama tái đắc cử?

(Dân trí) - Người dân Nhật, Trung Quốc đa phần ủng hộ Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy. Trong khi đó quan điểm cứng rắn của ông Romney đối với các cường quốc châu Á đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông.

 

Ông Obama (phải) và Romney bắt tay nhau trong cuộc tranh luận cuối.
Ông Obama (phải) và Romney trong cuộc tranh luận cuối hôm 22/10.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể là cuộc đua sít sao ở bên trong nước này, nhưng cuộc điều tra do Ipsos Hong Kong thực hiện cho thấy có tới 86% người Nhật ủng hộ đương kim Tổng thống đảng Dân chủ, trong khi chỉ có 12,3% ủng hộ cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney.

 

Người dân Trung Quốc có vẻ kém rõ ràng hơn, nhưng vẫn 63% số người được hỏi muốn Obama nắm quyền thêm 4 năm nữa, theo cuộc thăm dò thực hiện trên mạng từ tháng 9-10 vừa qua.

 

Giới phân tích cho rằng chính sách về kinh tế và an ninh của Obama đã củng cố vị trí của ông ở phương Đông, trong khi những bình luận cứng rắn của Romney về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh và sự suy giảm kinh tế của Nhật có thể đã khiến ông mất đi một số bạn bè.

 

“Châu Á muốn Obama giành chiến thắng, nhưng Trung Quốc có nhiều người ủng hộ Romney hơn Nhật”, trợ lý giám đốc Ipsos Hong Kong, Andrew Lam, cho hay.

 

“Có khả năng quan điểm cứng rắn của Romney về tiền tệ và thương mại, cũng như kế hoạch củng cố thêm khả năng quân sự ở Thái Bình Dương đã khiến người Trung Quốc tin rằng tốt hơn hết là giữ nguyên như tình trạng như hiện nay”.

 

“Với Nhật, việc Romney không được “ưa” có khả năng là liên quan đến bình luận công khai của ông trước đó, rằng Nhật đang là nền nền kinh tế tụt dốc. Nhật có lòng tự tôn dân tộc rất mạnh mẽ nên họ có thể phản ứng tiêu cực đối với công bố kiểu này”.

 

Theo cuộc thăm dò do AFP-Ipsos thực hiện, số người Trung Quốc ủng hộ Romney lớn gấp ba lần người Nhật, mặc dù ông có quan điểm diều hâu hơn về kinh tế cũng như chi tiêu quân sự của Trung Quốc.

 

Romney “được lòng” lớn nhất với những người nhiều tuổi Trung Quốc và ở những thành phố kém phát triển hơn.

 

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Chen Qi, của đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho biết một số người Bắc Kinh có thiện cảm với đảng Cộng hòa, phần lớn dựa vào lịch sử quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ có từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972.

 

Tuy nhiên ông cũng cho rằng nhiều người khác ở Trung Quốc lại không có thiện cảm với gốc gác của Romney, khi ông là một nhà tư bản giàu có.

 

 

“Nhiều người cảm thấy Obama chăm sóc tầng lớp dưới đáy xã hội, với những chính sách như cải cách y tế và rất nhiều người Trung Quốc ủng hộ điều đó…Có một số hoài nghi đối với những doanh nhân giàu có tham gia chính trường”, ông Chen nhận định.

 

Romney liên tục cam kết sẽ liệt Bắc Kinh là “thao túng tiền tệ” trong ngày đầu tiên nếu ông nhậm chức, nhằm đối phó với thặng dư thương mại lớn giữa Trung Quốc với Mỹ. “Họ đang lấy mất việc làm của chúng ta và chúng ta lại đang nhìn vào con đường khác đã quá lâu”, ông cho biết trong cuộc vận động tranh cử vào tháng trước.

 

Giới phê bình tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác cáo buộc Trung Quốc giữ cho đồng tiền tệ của nước này thấp giả tạo để làm thế giới tràn ngập hàng hóa xuất khẩu rẻ, gây hại cho các ngành sản xuất của họ.

 

Chính quyền Obama liên tục kêu gọi Bắc Kinh thả nổi đồng Tệ, nhưng chưa tuyên bố Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ”, tuyên bố có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt và có lẽ là một cuộc chiến thượng mại toàn diện.

 

Cuộc điều tra của AFP-Ipsos cho thấy hầu hết người Nhật (81,8%) và người Trung Quốc (58,3%) cho rằng Obama sẽ là tổng thống Mỹ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế của châu Á, bác bỏ ý kiến cho rằng ông Romney là một nhà quản lý kinh tế mạnh mẽ hơn.

 

Khi được hỏi ứng viên nào tốt hơn cho hòa bình và an ninh châu Á, 85,3% người Nhật và 56,3% người Trung Quốc chọn Obama.

 

Takehiko Yamamoto, giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Waseda, Tokyo, cho rằng nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan của Obama “được lòng” người Nhật.

 

“Chính quyền Bush đã có cách tiếp cận ép buộc đối với Nhật khi hối thúc sự ủng hộ của Nhật viện vào liên minh Mỹ-Nhật để đối phó với Afghanistan và Iraq. Song Obama đã không ép buộc như vậy”, ông cho biết với hãng tin AFP.

 

Cái gọi là “xoay trục sang châu Á” của Obama là chiến lược quan trọng về chính sách ngoại giao của chính quyền ông, động thái Trung Quốc nhìn bằng con mắt nghi ngờ, trong khi các quốc gia châu Á khác phần lớn đón chào như là một thế đối trọng với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.

 

Bất chấp căng thẳng tăng cao, cuộc điều tra cho thấy nhiều người Trung Quốc (47,7%) bàng quan với kết quả cuộc bầu ử Mỹ hơn người Nhật (30,3%).

 

Giới phân tích cho rằng với cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới cho 10 năm tới, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì kết quả trên không có gì là ngạc nhiên. “Cuộc bầu cử này quan trọng nhất với người Nhật, bởi Mỹ là đồng minh quan trọng, lâu dài nhất của họ, về cả quân sự lẫn ngoại giao”, ông Lam cho hay.

 

“Với sức mạnh kinh tế, chính trị đang hưng thịnh, người Trung Quốc có thể tự coi họ ít phải phụ thuộc vào một nước nào khác, kể cả Mỹ, vì vậy mà thờ ơ là tất yếu”.

 

 

Phan Anh

Theo AFP