Vì sao Nga - Ukraine chưa thể tạo đột phá bằng dàn "pháo đài bọc thép"?
(Dân trí) - Việc Ukraine và Nga nhiều lần tấn công bất thành đối phương bằng các đoàn xe tăng làm dấy lên câu hỏi liệu những "pháo đài bọc thép" đã trở nên lỗi thời trong tác chiến hiện đại hay chưa?
Riley Bailey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, sau gần 2 năm chiến sự, Nga và Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công lớn bằng xe tăng, nhưng hầu hết là đều chưa thành công như kỳ vọng.
Có nhiều lý do để giải thích cho điều này, nhưng nó cũng đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu xe tăng đã trở nên lỗi thời trong tác chiến hiện đại dù trước đó chúng từng được xem là "pháo đài bọc thép" kiên cố trên chiến trường?
Nga - Ukraine chịu tổn thất lớn về xe tăng
Theo Business Insider, kể từ đầu cuộc chiến, cả Nga và Ukraine đều từng đối mặt với thiệt hại khi sử dụng chiến thuật dùng số lượng lớn xe tăng và thiết giáp để tấn công đối phương.
Ví dụ, Nga từng mất số lượng lớn xe tăng ở Bucha vào năm 2022, ở Vuhledar vào đầu năm 2023 và Avdiivka vào cuối năm 2023.
Tương tự, trong cuộc phản công hồi tháng 6 năm ngoái, Ukraine cũng mất lượng lớn xe tăng ở mặt trận Đông Nam khi cố gắng xuyên phòng tuyến của đối phương.
Forbes dẫn thống kê của các chuyên gia quân sự phương Tây nói rằng, khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022, Nga đã đưa tới Ukraine 2.987 xe tăng. Sau 23 tháng xung đột, Nga dường như đã mất 2.619 xe tăng.
Con số trên được cho bao gồm 1.725 chiếc bị phá hủy, 145 chiếc bị hư hại, 205 chiếc bị bỏ lại và 544 chiếc T-55, T-62, T-72, T-80 và T-90 bị đối phương thu giữ.
Nga chưa công bố con số thiệt hại về xe tăng cho đến thời điểm hiện tại. Rất khó xác minh tính chính xác về con số mà giới quan sát phương Tây cung cấp.
Tuy nhiên, nếu giả thiết phía trên là đúng và nếu Nga không sản xuất bù đắp kịp, họ có thể đối mặt với kịch bản thiếu xe tăng để chiến đấu trong những năm tới.
Nhưng Điện Kremlin có nguồn xe tăng thay thế: Nhà máy Uralvagonzavod ở miền nam nước Nga đang sản xuất xe tăng T-90M mới, cùng với 4 cơ sở khác chuyên sửa chữa và hiện đại hóa các xe tăng cũ niêm cất trong kho.
Câu hỏi lớn mà chưa có chuyên gia phương Tây nào có thể dự đoán chính xác được là liệu Uralvagonzavod có thể chế tạo bao nhiêu xe tăng và các nhà máy khác có thể sửa chữa được bao nhiêu "pháo đài bọc thép" cho Nga?
Điện Kremlin tuyên bố họ đã nhận được 1.500 xe tăng mới và hiện đại hóa vào năm 2023 sau khi dồn lực vào ngành công nghiệp quốc phòng, khiến số phương tiện bọc thép tăng gấp 3 sản lượng so với năm 2022. Điều đó có nghĩa là, Nga đã nhận được khoảng 500 xe tăng mới và hiện đại hóa trong năm 2022.
Nếu thông tin này là chính xác thì Nga có thể bù đắp được phần lớn xe tăng mà họ đã mất đi, theo Forbes. Tuy nhiên, số xe tăng Nga hiện có vẫn chưa thể bằng được con số trước năm 2022. Trong bối cảnh Nga mở thêm hàng loạt lữ đoàn, sư đoàn mới, số xe tăng này có thể sẽ không đủ để trang bị cho các đơn vị.
Đây là kịch bản xảy ra nếu tuyên bố của Điện Kremlin là chính xác. Nhưng cũng rất khó để một bên thứ 3 xác minh chính xác số xe tăng mà Nga đã nhận được.
Nhóm phân tích tình báo nguồn mở ARI ở Pháp hoài nghi về con số mà Điện Kremlin công bố, cho rằng ngành công nghiệp quân sự của Nga có thể không sản xuất được 2.000 chiếc trong 2 năm 2022 và 2023.
Theo đánh giá của ARI, ngành công nghiệp quốc phòng Nga dường như chỉ sản xuất được khoảng 390 xe tăng mỗi năm, điều này đồng nghĩa họ chỉ bổ sung, phục hồi được 780 chiếc trong 2 năm chiến sự. Vì vậy, ARI cho rằng, Nga hiện có hơn 1.100 chiếc xe tăng.
Với tốc độ mất xe tăng hiện tại, Forbes cho rằng, Nga có thể cạn kiệt phương tiện bọc thép nếu chiến sự kéo dài. Mặc dù vậy, những con số của ARI vẫn chưa có căn cứ để khẳng định là có chính xác hay không.
Tương tự Nga, Ukraine cũng rơi vào hoàn cảnh có thể cạn xe tăng sau 2 năm tham gia vào cuộc chiến tiêu hao.
Tính đến cuối năm ngoái, Ukraine được phương Tây cam kết viện trợ 300 xe tăng gồm: 10 chiếc Strv 122 từ Thụy Điển, 14 chiếc Challenger 2 từ Anh, 31 chiếc M-1 cũ của Mỹ, 75 chiếc Leopard 2 do Đức sản xuất và 200 chiếc Leopard 1 đời cũ.
300 xe tăng là quá ít để tái trang bị cho các lữ đoàn Ukraine, vốn có thể cần từ 1.200 đến 1.500 xe tăng. Vì vậy, những chiếc xe tăng T-64 cũ của Liên Xô - hiện là loại xe tăng có số lượng nhiều nhất trong biên chế Ukraine - dường như vẫn sẽ đóng vai trò chủ lực trong các đơn vị của Kiev.
Lực lượng vũ trang Ukraine có 800 chiếc T-64BV nặng 40 tấn đang hoạt động hoặc trong lực lượng dự bị khi cuộc chiến nổ ra gần 2 năm trước. Có 450 chiếc T-64 khác đang được niêm cất vào thời điểm đó trong kho và đã được đưa ra để cải tiến và sửa chữa.
Như vậy tổng số xe tăng T-64 của Ukraine ước tính là 1.250 chiếc khi chiến sự nổ ra. Sau gần 2 năm xung đột, tính đến tháng 10 năm ngoái, giới quan sát phương Tây ước tính, Nga đã phá hủy hoặc thu được 400 xe tăng T-64 từ đối phương.
Nếu Ukraine trong 21 tháng mất đi 1/3 số xe T-64, thì với tốc độ này, họ có thể mất 2/3 số xe còn lại trong 42 tháng, tức là hơn 3 năm, theo Forbes.
Tuy nhiên, T-64 thực chất là xe tăng cũ, lỗi thời. Các nâng cấp của Ukraine chủ yếu khiến cho nó kiên cố hơn nhưng việc nó bền hơn hay không lại là chuyện khác. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm có thể khiến những chiếc T-64 hoạt động kém hơn ngay cả khi chúng không bị thiệt hại lớn.
Vì vậy, hơn 800 chiếc T-64 của Ukraine có thể khó mà duy trì thêm hơn 3 năm nữa như ước tính của Forbes. Có hàng loạt rủi ro có thể xảy ra làm ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của chúng.
Ukraine cũng khó có khả năng sản xuất xe tăng T-64 hoàn toàn mới. Trong 36 năm qua, nhà máy Malyshev chính của Ukraine chưa từng sản xuất một chiếc xe tăng hoàn chỉnh. Công việc của họ lúc này chỉ là nâng cấp và gia cố xe tăng cũ trong kho.
Vì vậy, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài, lực lượng xe tăng T-64 đông đảo nhất của Ukraine có thể cạn kiệt. Đây là kịch bản tệ nhất trong cuộc chiến tiêu hao với phía Kiev.
Vì sao xe tăng bị phá hủy với số lượng lớn?
Chuyên gia Bailey nhận định, cả Nga và Ukraine chịu thiệt hại lớn về xe tăng là do một số nguyên nhân chính.
Theo đó, địa hình bằng phẳng ở Ukraine và số lượng UAV lớn tại tiền tuyến khiến cả 2 bên quá khó để có thể khiến đối phương bị bất ngờ trong các cuộc tấn công.
Ông nói: "Rất nhiều cuộc chiến tranh sử dụng xe tăng và thiết giáp ở một mức độ nào đó dựa vào sự bất ngờ để có thể tiến lên nhanh chóng và khiến đối thủ mất cảnh giác".
Nhưng yếu tố bất ngờ ở chiến trường Ukraine thường không xảy ra.
Địa hình ở mặt trận miền Đông và miền Nam quá bằng phẳng khiến cả Nga và Ukraine đều khó có thể giấu đi các đội hình xe tăng lớn khi chúng tiến về phía trước. Trong một số khu vực, địa hình đều bằng phẳng và "bạn thậm chí có thể thấy đoàn xe tăng của một bên từ cách xa hàng km".
Một lý do khác là tại mặt trận Ukraine, 2 bên triển khai số lượng lớn UAV. Cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay không người lái để làm nhiệm vụ giám sát và tấn công.
Máy bay không người lái giám sát được sử dụng để theo dõi đối phương và thường cung cấp dữ liệu cho đồng đội để bắn pháo và vũ khí tầm xa vào xe tăng của phía còn lại.
Ngoài ra, các đòn tấn công từ UAV cũng hiệu quả khi chúng có thể vô hiệu hóa cả những chiếc xe tăng hiện đại hàng đầu trong kho vũ khí Nga, Ukraine.
Một yếu tố khác chính là bãi mìn. Cả Nga và Ukraine đều dùng mìn để ngăn xe tăng đối phương tiến lên, nhưng Nga đạt được ưu thế hơn.
Năm ngoái, Nga đã dành nhiều tháng để lập hệ thống phòng thủ nhiều lớp, chuẩn bị đối phó chiến dịch phản công của Ukraine. Một trong những lớp phòng thủ gây trở ngại lớn nhất cho cuộc phản công của Ukraine là những bãi mìn dày đặc.
Theo đánh giá của giới phân tích, Nga đã tạo ra bãi mìn lớn nhất thế giới, dọc chiến tuyến trải dài hơn 1.200km ở Ukraine.
Lượng mìn khổng lồ này, kết hợp với việc bố trí và sử dụng chiến lược các bẫy mìn sát thương, gây ra thách thức chưa từng có đối với nỗ lực phản công của Kiev ngay cả khi Ukraine được trang bị xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hiện đại của phương Tây.
Mặt khác, cả Nga và Ukraine đều gặp tổn thất khi cố gắng sử dụng đoàn xe tăng và xe bọc thép lao vào phòng tuyến đối phương. Đây là điều dễ hiểu vì phía tấn công thường sẽ chịu thiệt hại nặng hơn phía phòng thủ.
Xe tăng đã trở nên lỗi thời?
Thiệt hại lớn về xe tăng từng khiến các chuyên gia hoài nghi rằng liệu các "pháo đài bọc thép" có đang dần thất thế trong tác chiến hiện đại hay không?
Trên thực tế, theo National Interest, xe tăng là vũ khí không thể thiếu nếu bất cứ bên nào muốn giành lãnh thổ từ phía còn lại. Không thể chỉ dựa vào bộ binh, không quân để có thể kiểm soát lãnh thổ, sự hiện diện của xe tăng tại thực địa là cần thiết để đảm bảo kiểm soát các khu vực nhất định.
Sự thiếu đột phá của Nga và Ukraine liên quan tới các đòn tấn công lớn bằng xe tăng và phương tiện bọc thép đã dẫn đến cuộc chiến tiêu hao vì không bên nào đạt được đột phá lớn.
Tháng 2 năm ngoái, Washington Post cho biết, trong khi nhiều chuyên gia tuyên bố rằng xe tăng dường như đã trở nên lỗi thời trong tác chiến hiện đại, nhưng Ukraine vẫn liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ.
Dù phương Tây đã cam kết chuyển cho Ukraine 300 xe tăng, nhưng theo phân tích ở trên, con số này vẫn như "muối bỏ bể" so với số vũ khí mà Ukraine thực sự cần để tạo bước đột phá. Việc Ukraine vẫn liên tục đề nghị được viện trợ thêm xe tăng cho thấy chúng vẫn là một thế lực quan trọng trên chiến trường.
Chuyên gia, cựu quân nhân Anh Nicholas Drummond nhận định: "Nhiều người cho rằng chiến tranh trong tương lai sẽ chỉ diễn ra bằng máy bay không người lái, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, vệ tinh... Nhưng không một vũ khí nào có thể giúp kiểm soát lãnh thổ tại thực địa như xe tăng".
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Theo National Interest, vấn đề chính là trong nhiều năm qua, các nước cải tiến xe tăng chưa đủ nhanh để bắt kịp với những thay đổi trên chiến trường. Cuộc chiến gần 2 năm qua đã khiến nhiều dòng xe tăng được mệnh danh là "pháo đài", "bất khả chiến bại" bị phá hủy bởi những vũ khí giá rẻ như UAV góc nhìn thứ nhất.
Chuyên gia Matthew Gault tuyên bố: "Hãy dừng việc nhận định xe tăng đã trở nên hết thời! Vào cuối Thế chiến I, người ta cho rằng xe thiết giáp có thể sẽ không bao giờ được sử dụng lại trên chiến trường. Sau đó, các cuộc chiến bằng xe tăng đã thống trị Thế chiến II".
Sự phát triển không ngừng nghỉ của vũ khí sẽ kéo theo các chiến thuật mới. Nhưng xe tăng dường như chưa bắt kịp được với những thay đổi lớn trên tiền tuyến, đặc biệt là với UAV.
Các dòng xe tăng của cả Nga và phương Tây đều lộ ra điểm yếu trước UAV mà chưa thể khắc phục hoàn toàn. Ví dụ, mỗi xe tăng đều có những khu vực giáp rất mỏng, thường ở phía sau tháp pháo hoặc rìa 2 bên.
Các cuộc tấn công của Ukraine hay Nga bằng UAV thường nhằm vào các điểm yếu trên mỗi loại xe tăng để khiến những "pháo đài" nặng hàng chục tấn bị phá hủy hoặc thậm chí bị thổi bay tháp pháo.
Xe tăng là thế lực không thể thay thế trên chiến trường, nhưng vấn đề ở chỗ để duy trì năng lực này, các bên sẽ cần chiến thuật khác, hoặc cải tiến nhanh chóng hơn nữa để chúng có thể thích nghi với cục diện chiến đấu mới, trong một cuộc chiến mà UAV đang tạo ra bước ngoặt lớn.
Theo BI, National Interest, Forbes