Báo Mỹ: Thỏa thuận khoáng sản 500 tỷ USD với Ukraine quá hà khắc
(Dân trí) - Đề xuất mới của Mỹ dù yêu cầu Ukraine phải thực hiện một loạt các cam kết nhưng vẫn không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Kiev.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã cung cấp cho Kiev một bản dự thảo thỏa thuận sửa đổi liên quan tới khoáng sản, trong đó Washington được quyền sở hữu toàn bộ khoản tiền quỹ đầu tư chung dự kiến trị giá 500 tỷ USD từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.
Mặc dù đề xuất mới này, về cơ bản, đều có các điều khoản tương tự thỏa thuận mà Kiev đã bác bỏ trước đó nhưng nó thậm chí còn khắt khe hơn nhiều.
Báo New York Times cho biết, theo đề xuất mới sửa đổi, doanh thu từ các nguồn tài nguyên của Ukraine sẽ được chuyển vào một quỹ đầu tư chung mà Mỹ sẽ nắm giữ 100% lợi ích tài chính. Ukraine sẽ đóng góp vào quỹ này cho đến khi đạt 500 tỷ USD để đổi lấy viện trợ của Mỹ.
Con số trên vượt xa doanh thu thực tế của Ukraine từ các nguồn tài nguyên, khoảng 1,1 tỷ USD vào năm ngoái, và cao hơn gấp 4 lần giá trị viện trợ mà Washington đã cam kết với Ukraine cho đến nay.
Số tiền 500 tỷ USD không được đề cập trong văn bản đầu tiên của thỏa thuận mặc dù Tổng thống Trump công khai tuyên bố rằng đó là số tiền ông muốn.
Các điều khoản trong đề xuất mới ghi ngày 21/2 kêu gọi Ukraine bỏ ra cho Mỹ 50% doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên, gồm khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ, cũng như thu nhập từ các cảng và cơ sở hạ tầng khác.
Việc Ukraine chào mời Mỹ đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này là cách để Kiev thuyết phục ông Trump cung cấp thêm viện trợ cho cuộc xung đột với Nga hiện nay.
Đổi lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn nhận được sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Điều kiện này đã không có trong bản dự thảo thỏa thuận đầu tiên nên ông Zelensky từ chối ký kết.
Một cựu quan chức cấp cao của Ukraine gọi đề xuất đầu tiên của Mỹ là một "thỏa thuận thuộc địa" và cho biết ông Zelensky không thể ký theo các điều khoản đó.
Tuy nhiên, đề xuất mới của Mỹ dù yêu cầu Kiev phải thực hiện một loạt các cam kết nhưng vẫn không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào mà chỉ nói rằng Mỹ "dự định sẽ hỗ trợ tài chính dài hạn" để giúp Ukraine phát triển kinh tế.
Trong những ngày vừa qua, Mỹ và Ukraine được cho là đã tích cực làm việc để thống nhất các điều khoản chi tiết của thỏa thuận sửa đổi. Ông Ruslan Stefanchuk, Chủ tịch Quốc hội Ukraine cho biết Kiev đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào ngày 24/2, mốc kỷ niệm 3 năm cuộc xung đột với Nga.