1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Nga tiến công áp đảo, đẩy lùi Ukraine ở "chảo lửa" miền Đông?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức Mỹ đã chỉ ra lý do giúp quân đội Nga giành được lợi thế trong các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine tại mặt trận miền Đông.

Vì sao Nga tiến công áp đảo, đẩy lùi Ukraine ở chảo lửa miền Đông? - 1

Binh sĩ Ukraine tấn công mục tiêu của Nga ở Donbass, Đông Ukraine (Ảnh: AFP).

Theo hai quan chức Mỹ được tiếp cận thông tin tình báo, các lực lượng Nga đang giành được lợi thế ở miền Đông Ukraine sau khi rút ra bài học từ những sai lầm trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự.

Quan chức Mỹ nhận định các lực lượng Nga đã phối hợp tốt hơn giữa các cuộc tấn công trên không và trên bộ, đồng thời cải thiện các đường tiếp vận và hậu cần.

Mỹ không kỳ vọng các hệ thống vũ khí mới được cung cấp cho lực lượng Ukraine gần đây, bao gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, sẽ thay đổi ngay lập tức tình hình trên chiến trường, một phần vì những hệ thống này cho đến nay vẫn có tầm bắn và số lượng tên lửa hạn chế để đảm bảo chúng không thể bắn vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, lực lượng Nga cũng phá hủy nhiều vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine, bao gồm lựu pháo M777.

Đánh giá của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang bước sang thời khắc quyết định trong những ngày gần đây. Donetsk và Lugansk, hay còn gọi chung là vùng Donbass, ghi nhận các cuộc giao tranh khốc liệt và là nơi Nga đặt mục tiêu "giải phóng hoàn toàn". Giới chức Ukraine cho biết hiện nước này kiểm soát 45% lãnh thổ tỉnh Donetsk, trong khi 55% còn lại thuộc quyền kiểm soát của quân đội Nga. Tại Lugansk, quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 95%.

Sau hơn 4 tháng chiến sự, chính phủ các nước phương Tây đang đối mặt với quyết định khó khăn về việc liệu họ có muốn tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine hay không.

Đánh giá của Mỹ dự đoán viễn cảnh ảm đạm về tương lai của cuộc xung đột Nga - Ukraine, với tổn thất nhân sự và trang thiết bị đáng kể cho cả hai bên. Các quan chức Mỹ tin rằng, Nga có kế hoạch duy trì các cuộc tiến công dữ dội ở miền Đông Ukraine, trong đó chủ yếu là tấn công bằng pháo và tên lửa hạng nặng, với mục tiêu làm suy yếu dần lực lượng Ukraine cũng như quyết tâm của NATO.

Đà tiến công của Nga ở miền Đông Ukraine được thấy rõ trong những ngày gần đây, sau khi Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ Lysychansk - thành phố cuối cùng ở tỉnh Lugansk vẫn do Ukraine kiểm soát. Gần đây, Nga đã tiến vào một số ngôi làng ở phía nam Lysychansk, mặc dù vẫn phải hứng chịu một số tổn thất do hỏa lực của đạn pháo Ukraine.

Các thành viên của Quốc hội Ukraine đã nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng, quân đội Nga đã tính toán số lượng vũ khí mà các đồng minh phương Tây có trong kho dự trữ để cấp cho Ukraine và lên kế hoạch chờ lực lượng Ukraine cạn kiệt số vũ khí này. Trong khi đó, kho dự trữ của Ukraine chủ yếu gồm vũ khí do Nga sản xuất trước đây.

"Nga vẫn chưa bị răn đe. Cuộc chiến này có thể kéo dài nhiều năm", nghị sĩ Mike Quigley tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhận định.

Cơ quan giám sát của Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở một cuộc đánh giá về kế hoạch tái trang bị kho vũ khí và thiết bị sau khi Washington tiếp tục cung cấp số lượng đáng kể vũ khí cho Ukraine.

Trong những tuần tới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh của G7 và NATO. Nhà lãnh đạo Ukraine vẫn đang tìm cách kêu gọi sự ủng hộ của phương Tây để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Trong hội nghị G7 sắp tới, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các bước cùng với các nhà lãnh đạo khác để gia tăng sức ép đối với Nga. Tại hội nghị NATO, Mỹ sẽ công bố các biện pháp để tăng cường an ninh châu Âu, bên cạnh những đóng góp mới từ các đồng minh.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine