1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Nga tăng cường dùng "Rồng lửa" S-300 tấn công mục tiêu Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine cho rằng việc Nga tăng cường sử dụng các hệ thống phòng không S-300 và S-400 để tấn công các mục tiêu cho thấy kho tên lửa đạn đạo của Moscow đang cạn kiệt.

Vì sao Nga tăng cường dùng Rồng lửa S-300 tấn công mục tiêu Ukraine? - 1

Hệ thống phòng không S-300 (Ảnh: RT).

Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat dẫn thông tin từ tình báo Ukraine cho biết, Nga chỉ còn chưa đầy 100 tên lửa đạn đạo Iskander hiện đại. Do vậy, ông Ihnat nói rằng, Nga đang sử dụng các hệ thống S-300 và S-400 vì các khí tài này sẵn có hơn.

"Đối phương đang cố gắng sử dụng những gì họ đang còn nhiều, vì rất nhiều tên lửa S-300 đã được sản xuất. Nga là nhà sản xuất những tên lửa này và họ đang sử dụng chúng theo cách này", quan chức Ukraine nói.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng trước thông báo, Nga có thể đã sử dụng phần lớn kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander SS-26, loại tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 500kg với tầm bắn 500km.

Dự trữ vũ khí ngày càng cạn kiệt có thể trở thành vấn đề chính đối với cả Nga và Ukraine khi cuộc chiến đã kéo dài gần 11 tháng và dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tổ hợp tên lửa S-300 là một trong những vũ khí phòng không uy lực và phổ biến của quân đội Nga, được phát triển dưới thời Liên Xô và triển khai lần đầu vào năm 1979. S-300 được thiết kế với nhiệm vụ phòng thủ không phận cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại máy bay tấn công của đối phương.

Hệ thống S-300 cũng có nhiều phiên bản cải tiến được trang bị các loại tên lửa và radar dẫn đường hiện đại hơn, tăng cường khả năng đối phó với các biện pháp tác chiến điện tử cũng như các thiết bị bay tầm thấp của đối phương.

"Rồng lửa" S-300 tham chiến tại Ukraine

Cả Ukraine và Nga đều sử dụng S-300, mặc dù Nga có nhiều hệ thống này hơn trong kho khí tài. Moscow đã phát triển hệ thống S-400 để thay thế hệ thống S-300 cũ vào năm 2007. Ông Ihnat cho biết các lực lượng Nga ưu tiên sử dụng S-300 với số lượng đa dạng hơn để chống lại các mục tiêu mặt đất, mặc dù S-400 cũng đang được sử dụng theo cách này.

Theo quan chức Ukraine, S-300 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bộ cách xa tới 150km và là mối đe dọa đối với Ukraine.

"S-300 là một mối đe dọa, và tất nhiên chúng tôi sẽ không có đủ hệ thống từ phương Tây để bắn hạ tất cả tên lửa S-300 trên không. Chúng ta cần tiêu diệt chúng tại các vị trí mà chúng được khai hỏa", ông Ihnat nói.

Đầu năm nay, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh NATO chuyển các tổ hợp S-300 ở Đông Âu cho Kiev.

Vào tháng 4 năm ngoái, Slovakia đã chuyển giao một tổ hợp gồm 4 bệ phóng tên lửa di động S-300 và radar tương ứng cho Ukraine. Đổi lại, Đức đồng ý trang bị hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đánh giá, Ukraine có thể dễ dàng vận hành và tích hợp S-300 bởi Ukraine cũng sở hữu và sử dụng khí tài này trong nhiều năm.

Đáp lại thông tin này, Nga cảnh báo, bất cứ khí tài nào của Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ khiến chiến sự kéo dài và tất cả vũ khí này đều trở thành mục tiêu tấn công hoặc thu giữ của quân đội Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine