1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ luôn thống trị các mùa giải Nobel?

Thanh Thành

(Dân trí) - Với việc không dưới 8 người đoạt giải Nobel 2021 là người Mỹ, một câu hỏi lâu nay lại được đặt ra: Vì sao Mỹ luôn thống trị các mùa giải Nobel?

Vì sao Mỹ luôn thống trị các mùa giải Nobel? - 1

Ba người Mỹ gồm David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens giành giải Nobel Kinh tế 2021 (Ảnh: AP).

Mùa giải Nobel năm 2021 đã kết thúc với chiến thắng dành cho 3 nhà khoa học người Mỹ với tấm huy chương Nobel Kinh tế.

Với kết quả trên, riêng mùa giải năm nay, không dưới 8 trong số 13 người đoạt giải là công dân Mỹ. Điều này cho thấy rõ sức mạnh của giới học thuật và sức hút nhân tài hàng đầu thế giới của nước này.

Theo SCMP, các trường đại học Mỹ lâu nay vẫn luôn thống trị bảng xếp hạng "Top 100 toàn cầu", trong đó có các trường đại học thuộc nhóm Ivy League, vốn được coi là những tổ chức học thuật uy tín nhất trên thế giới.

Kể từ mùa giải Nobel đầu tiên bắt đầu vào năm 1901, Mỹ cho đến nay đã mang về 400 huy chương, tiếp theo là Anh với 138 và Đức với 111 (những con số này bao gồm những công trình liên kết với các nước khác).

"Tôi thực sự đánh giá cao những cơ hội mà nước Mỹ đã mang lại cho mình", nhà sinh học Ardem Patapoutian, người đồng đoạt giải Nobel Y học năm 2021 nói như vậy sau khi giành chiến thắng. Là công dân Mỹ gốc Armenia, ông Patapoutian theo học tại Đại học California tại San Francisco và sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu Scripps. Đại học California cũng là cái nôi đào tạo nhà khoa học cùng đoạt giải Nobel Y học David Julius, và cho đến nay là ngôi trường mang về 70 giải Nobel.

Nhà khoa học Mỹ gốc Nhật Syukuro Manabe, người đồng đoạt giải Nobel Vật lý năm nay, cũng nói với các phóng viên rằng, "ở Mỹ, tôi có thể đi đến nơi mình mong muốn, đó là chìa khóa giúp tôi đi đến thành công".

Người đồng đoạt giải Nobel Hóa học David MacMillan là một công dân Mỹ gốc Scotland. Ông chuyển đến Mỹ vào những năm 1990 và là giáo sư tại Đại học Princeton, cũng là nơi nhà báo người Mỹ gốc Philippines đoạt giải Nobel Hòa bình Maria Ressa theo học.

Theo nhà khoa học David Baltimore, từng đồng đoạt giải Nobel y học năm 1975, chính những chiến lược tài trợ cho nghiên cứu cơ bản là trọng tâm mang về những chiến thắng cho nước Mỹ. Ông cho biết, đây được xem là "chỉ số theo dõi", vì so với các nghiên cứu ứng dụng vốn chỉ có thể được chứng minh kết quả sau nhiều năm hoặc nhiều thập niên, những nghiên cứu cơ bản thường không thể đoán trước được.

Ông Baltimore, hiện là Chủ tịch danh dự và là giáo sư sinh học xuất sắc tại Viện Công nghệ California (Caltech), cho biết thêm: "Đó cũng là sức mạnh của các viện nghiên cứu và trường đại học của chúng tôi từ khi thành lập từ nhiều thế kỷ trước và tiếp tục cho đến nay".

Sự chú trọng của người Mỹ vào nghiên cứu cơ bản bắt đầu từ sau Thế chiến II. Nước này đã thành lập Quỹ Khoa học Quốc gia vào năm 1950, với nhiệm vụ điều phối tài trợ của chính phủ cho các trường đại học cho đến ngày nay.

Trung Quốc hiện đang dần bắt kịp Mỹ về tổng kinh phí nghiên cứu (496 tỷ USD so với 569 tỷ USD được điều chỉnh theo sức mua tương đương vào năm 2017) nhưng lại đối mặt những thách thức liên quan đến tự do học thuật và sức thu hút nhân tài hàng đầu, Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ HN Cheng cho biết.

Cũng giống các quốc gia giàu có với cơ sở hạ tầng mạnh vốn luôn thống trị các giải thể thao quốc tế, việc trở thành nền kinh tế số một giúp Mỹ trở thành một cường quốc về khoa học. "Chẳng hạn như, một nhà khoa học sẽ tìm thấy nhiều cơ hội việc làm và nhiều cơ hội khác hơn tại Mỹ", ông Cheng nói.

Trong khi đó, giáo sư vật lý danh dự Marc Kastner tại trường Công nghệ Massachusetts (MIT), nói thêm rằng các trường đại học Mỹ rất chú trọng đến việc khen thưởng và trao nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ sáng giá.

Tuy nhiên, hiện có nhiều lo ngại rằng, viễn cảnh người nhập cư giảm có thể thách thức sự ưu việt của Mỹ. Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ Stefano Bertuzzi lo ngại rằng, xu hướng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng đang khiến Mỹ có thể không còn là một điểm đến được lựa chọn.