1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao lệnh trừng phạt không chặn đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên?

(Dân trí) - Lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng mới nhất mà Liên Hợp Quốc ban hành với Bình Nhưỡng không đụng chạm tới đường ống cung cấp tới 90% lượng dầu thô từ Trung Quốc tới Triều Tiên. Dường như một lý do kỹ thuật: một khi Bắc Kinh ngắt đường ống, việc mở lại sẽ rất khó khăn.

Cầu Hữu Nghị nằm ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc bắc qua sông Áp Lục. (Ảnh: Reuters)
Cầu Hữu Nghị nằm ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc bắc qua sông Áp Lục. (Ảnh: Reuters)

Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay với Triều Tiên để đáp trả vụ thử hạt nhân lần 6 của nước này. Theo đó, lệnh trừng phạt mới sẽ cắt giảm hơn 55% sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên, đồng thời áp đặt mức trần 2 triệu thùng/năm đối với tất cả các sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên, bao gồm cả xăng.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu dầu thông qua hệ thống đường ống nối thành phố Đan Đông, Trung Quốc với thành phố Sinuiju, Triều Tiên không bị ảnh hưởng dù đường ống này cung cấp tới nửa triệu tấn dầu cho Bình Nhưỡng 1 năm, chiếm tới 90% lượng dầu thô tới Triều Tiên. Chính vì vậy, lệnh trừng phạt đã bị chỉ trích là “nửa vời”.

Tuy nhiên, theo ông Liu Ming, một nhà phân tích về vấn đề Bắc Triều Tiên thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc, yếu tố kỹ thuật cũng được cho là là 1 trong những lý do khiến đường ống này không bị “đụng” tới.

“Dầu thô vận chuyển qua đường ống từ Đan Đông qua Sinuiju chứa lượng lớn sáp. Nếu dòng chảy chậm lại hoặc bị ngắt, đường ống sẽ tắc và trong tình huống xấu nhất có thể bị hỏng nghiêm trọng”, ông Liu cho biết.

Nguồn cung dầu thô của đường ống trên xuất phát từ mỏ dầu Daqing tại tỉnh Hắc Long Giang. Dầu này có ít lưu huỳnh và nhiều sáp. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đường ống PetroChina, hỗn hợp này rất dễ đông lại và vón cục trong thời tiết lạnh hoặc khi dòng chảy chậm tới một tốc độ nhất định.

Vì vậy, nếu dừng đường ống thì khi mở lại Trung Quốc sẽ phải tốn khoản tiền lớn để thông rửa ống dẫn dầu cũng như sửa chữa nếu như chúng bị hỏng.

Ngoài ra, ông Justin Hastings, một chuyên gia về quan hệ quốc tế trong thương mại Trung-Triều tại Đại học Sydney, Australia cho rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên theo hướng ôn hòa chứ không chặn diệt “đường sống” của quốc gia này.

Chuyên gia David Von Hippel, thuộc Viện nghiên cứu Nautilus có trụ sở ở Oregon, Mỹ nhận định rằng quan điểm của Trung Quốc vừa nhằm bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc, vừa ngăn chặn 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nếu khủng hoảng xảy ra, rất có thể tình hình xã hội Triều Tiên sẽ rối loạn và Trung Quốc lo ngại dòng người Triều Tiên sẽ đổ sang biên giới Trung Quốc gây bất ổn về mặt chính trị xã hội.

Đức Hoàng

Theo SCMP