1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Jerusalem được coi là vùng đất linh thiêng?

(Dân trí) - Tranh chấp giữa Israel và Palestine về chủ quyền đối với Jerusalem đã kéo dài nhiều thập niên qua và vùng đất này cũng là một trong những vấn đề căng thẳng nhất trong xung đột giữa Israel và các nước Arab. Đâu là lý do khiến Jerusalem trở thành vùng đất thánh quan trọng như vậy?


Núi Đền - một địa điểm linh thiêng tại Jerusalem (Ảnh: NYT)

Núi Đền - một địa điểm linh thiêng tại Jerusalem (Ảnh: NYT)

Jerusalem nằm ở phía đông thành phố Tel Aviv, Israel và là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới. Khác với những thành phố hiện đại, nhộn nhịp tại Israel, Jerusalem được coi là ngã ba gặp gỡ của các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và đạo Do Thái giáo. Ngay bản thân cái tên Jerusalem cũng là sự cộng hưởng của tên gọi 3 chính đạo lớn nêu trên.

Thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Jerusalem đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với hai lần bị tàn phá, hàng chục lần bị vây hãm, tấn công, xâm chiếm và tái thiết. Người ta nói trong mỗi lớp đất của Jerusalem đều ẩn chứa những phần khác nhau của lịch sử.

Khi nhắc tới Jerusalem, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay tới sự chia rẽ và xung đột giữa những con người theo những tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, ít ai biết rằng họ rất đoàn kết khi cùng dành sự kính trọng đối với vùng đất thánh này.

Ở trung tâm Jerusalem là Khu phố Cổ, một mê cung những con ngõ nhỏ với những nét kiến trúc cổ lâu đời. Trong thành có 4 khu vực gọi là 4 quảng trường: khu Người Do Thái, khu Thiên chúa giáo, khu Hồi giáo, và Khu người Armenia được bao bọc bởi những bức tường đá.

Nhà thờ Thiên chúa giáo

Nhà thờ Mộ Chúa Jesus ở Jerusalem (Ảnh: Wiki)
Nhà thờ Mộ Chúa Jesus ở Jerusalem (Ảnh: Wiki)

Trong khu vực Thiên chúa giáo có nhà thờ Mộ Chúa Jesus, một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới. Đây là nơi mọi tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới đều hướng về. Theo kinh Tân Ước, Jerusalem chính là nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá. Nơi đây được tôn sùng là đồi Golgotha hay đồi Calvary, là nơi Chúa Giê-su được mai táng và cũng là nơi Chúa được phục sinh trong 3 ngày.

Hiện nhà thờ này nằm dưới sự quản lý chung bởi đại diện của các nhánh trong Thiên Chúa giáo, bao gồm Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Jerusalem, Chính Thống giáo Đông phương, Chính Thống giáo Cổ Đông phương và Giáo hội Công giáo Roma.

Hàng năm, hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo hành hương về Jerusalem để thăm nhà thờ Mộ Chúa Giê-su và cầu nguyện.

Nhà thờ Hồi giáo

Đền thờ Mái vòm Dome of Rock (Ảnh: Biblewalks)
Đền thờ Mái vòm Dome of Rock (Ảnh: Biblewalks)

Quảng trường Hồi giáo là khu vực lớn nhất trong 4 quảng trường tại Jerusalem. Nơi đây có đền thờ Mái vòm Dome of Rock và nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Đây là nhà thờ Hồi giáo linh thiêng thứ ba và nằm dưới sự quản lý của Waqf - cơ quan thẩm quyền Hồi giáo của Jordan, quản lý các hoạt động tôn giáo tại Jerusalem.

Các tín đồ Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Muhammad đã đi từ thánh địa Mecca tới đây và cầu nguyện cho những linh hồn của tất cả những nhà tiên tri. Cách đó không xa, đền thờ Mái vòm Dome of Rock được cho là nơi nhà tiên tri Muhammad đã bay lên thiêng đàng trên con ngựa có cánh.

Các tín đồ Hồi giáo thường tới thăm Jerusalem quanh năm, nhưng tháng lễ Ramadan là thời điểm mà hàng trăm nghìn tín đồ Hồi giáo đổ về đây cầu nguyện.

Bức tường phía Tây

Bức tường phía Tây (Ảnh: Getty)
Bức tường phía Tây (Ảnh: Getty)

Quảng trường Do Thái nổi tiếng với Bức tường phía Tây hay còn gọi là "Bức tường Than khóc", là nơi linh thiêng của người Do Thái. Đây là phần còn lại của bức tường cổ bao quanh đền thờ Do Thái, nằm ở phía tây Núi Đền (Temple Mount) ở thành phố cổ Jerusalem. Trong đền này là điện thờ - nơi linh thiêng nhất đối với các tín đồ Do Thái.

Người ta tin rằng nếu viết một lời cầu nguyện trên mảnh giấy và đặt mảnh giấy trong khe nào đó của bức tường thì lời cầu nguyện sẽ thành hiện thực. Các tín đồ Do Thái thì tin rằng đây là nơi Abraham vâng theo lệnh của Thiên Chúa, dâng con trai mình là Isaac làm sinh tế.

Hàng năm Bức tường phía Tây đón hàng triệu khách tham quan. Tín đồ Do Thái từ khắp nơi trên thế giới về đây để cầu nguyện và kết nối với một phần di sản của họ.

Nhật Minh

Theo BBC