1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc chưa được giải mã?

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi các nhà điều tra thu thập manh mối, Nga bắt đầu thực hiện các bước sửa chữa đường ống dẫn khí đốt khổng lồ, một công việc dự kiến rất tốn kém.

Vì sao các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc chưa được giải mã? - 1

Các đường ống còn sót lại từ quá trình xây dựng Nord Stream 2 ở Sassnitz, Đức (Ảnh: NYT).

Sự cố gây rò rỉ khí đốt của hệ thống đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) dưới đáy biển Baltic hồi tháng 9 cho đến nay vẫn là một vụ việc đầy bí ẩn.

Khi các nhà điều tra vẫn đang thu thập manh mối, Nga đã bắt đầu thực hiện các bước bắt đầu sửa chữa đường ống dẫn khí đốt khổng lồ này, dự kiến sẽ rất tốn kém. 

Sự cố đã được dự báo?

Hơn 15 năm trước, khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream giữa Nga và Đức chỉ mới là một ý tưởng, chính phủ Thụy Điển đã công bố nghiên cứu cảnh báo về những rủi ro vốn có khi vận hành một phần cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng dọc theo đáy Biển Baltic.

Các nhà phân tích cho rằng, đường ống này sẽ "rất dễ bị tổn thương" ngay cả khi chỉ hứng chịu "hình thức phá hoại thô sơ nhất" và việc giám sát an toàn dưới nước gần như là "bất khả thi".

Nghiên cứu năm 2007 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển thậm chí còn đưa ra một kịch bản: "Chỉ cần một thợ lặn là đủ để lên kế hoạch cho vụ nổ phá hoại".

Hiện nay, các nhà điều tra châu Âu gần như đang phải đối mặt với kịch bản đó.

Vì sao các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc chưa được giải mã? - 2

Bốn lỗ rò rỉ (điểm màu đỏ) trên 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc (Đồ họa: Guardian).

Vào ngày 26/9, hiện tượng rò rỉ nhiên liệu đã được ghi nhận trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Trong số 4 điểm rò rỉ này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Các nhà chức trách Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết sự cố này có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ đích. Chất nổ có thể đã được thả từ tàu hoặc như báo cáo cảnh báo trước đó của Thụy Điển được đặt dưới đáy biển bằng cách sử dụng tàu ngầm hoặc thợ lặn.

Phương Tây và Nga lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau liên quan đến đường ống Nord Stream bị rò rỉ.

Vì vậy, các bên đã mở các cuộc điều tra về vụ việc, một trong số đó là cuộc điều tra của Thụy Điển. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất hôm 26/12, Thụy Điển cho biết không có bằng chứng cụ thể về hoạt động phá hoại đối với các đường ống dẫn khí này.

"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cụ thể", New York Times dẫn lời ông Daniel Stenling, Chỉ huy lực lượng phản gián thuộc Cơ quan An ninh Thụy Điển (SEPO) cho biết.

Tuy nhiên, theo Sputnik, các nhà điều tra Thụy Điển có thể đã giải quyết xong vụ việc nhưng vẫn giữ im lặng với những đồng minh phương Tây dựa trên những toan tính chiến lược.

Sự cố Nord Stream vì vậy vẫn là bài toán gây nhiều tranh cãi.

Trong thời đại giám sát bằng vệ tinh, giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng báo động vì xung đột Ukraine, có thể một ai đó đã đặt một quả bom gây nổ và rời đi không một dấu vết.

Biển Baltic, hóa ra, là một hiện trường vụ án bí ẩn. Mặt biển được giăng đầy hệ thống dây cáp viễn thông và đường ống, nhưng như đã được cảnh báo lại không được giám sát chặt chẽ. Các con tàu từ 9 quốc gia giáp biển đến và đi liên tục. Và điều đáng nói là các con tàu có thể dễ dàng ẩn nấp bằng cách tắt các bộ phát đáp theo dõi.

Vì sao các vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc chưa được giải mã? - 3

Khí đốt rò rỉ trên đường ống thuộc hệ thống Nord Stream hồi tháng 9 (Ảnh: NYT).

Niklas Rossbach, phó Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, cho biết: "Câu hỏi quan trọng không phải là thực hiện việc giám sát như thế nào mà là tại sao lại thiếu giám sát đối với hệ thống đường ống này như vậy".

Ai đứng sau vụ việc?

Biển Baltic được xem là một "nghĩa địa" khổng lồ cho các loại vũ khí chưa nổ và vũ khí hóa học sau Thế chiến.

Các quan chức trong khu vực cho biết, một số quốc gia dọc biển Baltic, trong đó có Nga, có đội thợ lặn chuyên thực hiện các hoạt động dưới đáy biển. Theo các cựu quan chức quân sự và tình báo trong khu vực, Nga, với một cảng dọc biển Baltic, có các tàu ngầm nhỏ siêu tinh vi, có thể di chuyển mà không bị phát hiện.

Sau các vụ nổ, Ba Lan và Ukraine công khai đổ lỗi cho Nga nhưng không đưa ra bằng chứng. Trong khi đó, Nga cũng đổ lỗi cho Anh nhưng cũng không đưa ra bằng chứng.

Moscow đã nhiều lần bị cáo buộc sử dụng năng lượng để gây ảnh hưởng và có lợi ích trong việc phá vỡ các liên minh ở châu Âu. Nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, giả thuyết cho rằng Nga đứng sau các vụ nổ là không khả thi và chỉ khiến mọi việc phức tạp hơn.

Trong những tuần gần đây, Nord Stream AG, công ty thuộc sở hữu của  Gazprom, đã bắt đầu tính chi phí sửa chữa đường ống và khôi phục dòng chảy khí đốt, theo một quan chức giấu tên.

Ước tính sửa chữa ban đầu vào khoảng 500 triệu USD. Các chuyên gia tư vấn của Nga cũng đang nghiên cứu xem các đường ống bị hư hỏng có thể chịu được nước mặn trong bao lâu. Thực tế này đặt ra các câu hỏi là nếu Nga tự làm hỏng các đường ống dẫn dầu của chính mình, vì sao họ lại nhanh chóng bắt đầu công việc sửa chữa tốn kém như vậy? Vì thế, giả thuyết này dường như không có khả năng xảy ra.

Nhưng giống bất kỳ vụ việc bí ẩn nào, vẫn có rất nhiều thuyết âm mưu đặt ra. Ngay cả quyết định của chính phủ Thụy Điển giữ bí mật chi tiết về cuộc điều tra với các đồng minh phương Tây cũng làm dấy lên đồn đoán rằng, có lẽ các nhà điều tra đã phá được vụ án và đang giữ im lặng một cách chiến lược.

Nord Stream bao gồm hai dự án, mỗi dự án gồm một cặp ống thép bọc bê tông có đường kính hơn 1,2m và dài hơn 1.100km.

Cặp đầu tiên, Nord Stream I, đi vào hoạt động vào năm 2011. Hệ thống này đáp ứng nhu cầu của Đức là khí đốt giá rẻ, đáng tin cậy của Nga trong khi Moscow muốn giảm sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine.

Lúc đó, hầu hết các nước châu Âu, cùng với Mỹ, đã phản đối Nord Stream I. Thụy Điển phản đối mạnh mẽ vì dự án được lên kế hoạch ngay sát gần bờ biển của họ, với lý do "có thể bị Nga giám sát".

Nhưng lập luận lớn nhất là Nord Stream sẽ khiến châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trao cho Moscow một đòn bẩy chính trị quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU).

Ngay sau khi Nord Stream 1 hoạt động hiệu quả, Nga bắt đầu thúc đẩy xây dựng một bộ đường ống khác. Đường ống thứ hai này, được gọi là Nord Stream 2, thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn, trong đó hầu hết các nước EU và Mỹ - dưới thời cả Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald  Trump - phản đối gay gắt.

Việc xây dựng hoàn thành vào tháng 9/2021 và khi các binh sĩ Nga tập trung ở biên giới với Ukraine, các quan chức Ukraine coi đường ống này là một mối đe dọa an ninh. Nhưng việc phá hoại một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng năng lượng này có thể được coi là một hành động chiến tranh. Nếu một thành viên của EU hoặc NATO đứng sau vụ việc này, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm tan vỡ niềm tin đối với hai trong số các mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của phương Tây. 

Ukraine dù là bị nghi ngờ đứng sau nhưng không có khả năng để thực hiện hành động đó. Ukraine không có cảng ở Baltic và tàu ngầm duy nhất được biết đến của nước này đã bị Nga bắt giữ vào năm 2014.

Nhiều nước phương Tây đổ lỗi cho Nga. Nhưng theo các chuyên gia, vụ nổ hoàn toàn không có lợi cho Moscow: họ phải tiếp tục trả phí quá cảnh đến Ukraine, không thể hoàn thành lời hứa về khí đốt giá rẻ để tách Đức khỏi các đồng minh châu Âu và đặc biệt là phải đối mặt với chi phí sửa chữa khổng lồ ngay trước mắt.

Với rất ít bằng chứng dưới đáy biển, các cuộc điều tra sự cố này khó có thể tạo bước đột phá nếu không dựa vào các máy nghe lén của cơ quan tình báo và các nguồn nhân lực.

Cho đến nay, các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu vẫn chưa chia sẻ công khai bất kỳ dữ liệu nào mà họ có thể đã thu thập được.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm