1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao bà Clinton nên đề nghị kiểm lại phiếu?

(Dân trí) - Khiếu nại kết quả là điều hiếm xảy ra trong các kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ. Tuy nhiên, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton được khuyên là không nên bỏ qua cơ hội này để củng cố lòng tin của công chúng khi có quá nhiều lời kêu gọi đề nghị kiểm lại phiếu ở 3 bang quan trọng.


Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters)

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters)

Những ngày gần đây, sau khi một nhóm nhà hoạt động đưa ra bằng chứng cho rằng kết quả bỏ phiếu tại bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, hàng loạt người ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã kêu gọi bà khiếu nại kết quả bầu cử.

Ứng viên tổng thống Đảng Xanh, bà Jill Stein, cũng phát động một chiến dịch quyên tiền để phục vụ cho mục đích kiểm phiếu. Tính đến hết ngày hôm qua, bà Stein được cho là đã quyên được 3,8 triệu USD và đã thuê luật sư làm thủ tục khiếu nại, đề nghị kiểm lại phiếu ở bang Wisconsin vào hôm nay 25/11, hạn chót kiểm phiếu tại bang này.

Trong khi đó, chiến dịch của bà Clinton vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ khiếu nại kết quả bầu cử mặc dù số phiếu phổ thông ủng hộ bà Clinton nhiều hơn của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Việc kiểm lại phiếu giống trường hợp ở Florida năm 2000 hiếm khi xảy ra trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bà Clinton được khuyên là không nên bỏ lỡ cơ hội này bởi vì nhiều lý do.

Thứ nhất, nguy cơ gian lận phiếu hoàn toàn có thể xảy ra thậm chí ở các bang sử dụng phiếu giấy.

Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000 khi bang Florida kiểm lại phiếu và quyết định chiến thắng thuộc về ứng viên Cộng hòa George W. Bush dù chiếm ít phiếu phổ thông hơn, Quốc hội Mỹ đã chi hàng tỷ USD để các bang nâng cấp hệ thống bỏ phiếu. Theo đó, nhiều bang đã chuyển từ hình thức bỏ phiếu giấy sang bỏ phiếu qua màn hình điện tử. Tuy vậy, đó có thể là một sai lầm cực lớn bởi hệ thống này dễ bị tin tặc tấn công và khiến kết quả bị sai lệch ngay cả khi chúng không phải hệ thống kết nối trực tuyến.

Theo lý giải của Alex Halderman, chuyên gia nghiên cứu vấn đề bảo mật trong hệ thống bỏ phiếu, trước mỗi kỳ bầu cử, các nhân viên kiểm phiếu sẽ in mẫu phiếu bầu từ một máy tính thông thường, sau đó dùng một thiết bị bộ nhớ lưu động để tải mẫu đó lên các máy kiểm phiếu. Do đó không loại trừ khả năng tin tặc cài mã độc ngay từ máy tính gốc sau đó chuyển sang các máy kiểm phiếu thông qua bộ nhớ lưu động.

Hệ thống quét lựa chọn cho phép nhân viên kiểm phiếu kiểm tra lại nếu trong trường hợp các máy kiểm phiếu có dấu hiệu dồn phiếu của ứng viên này cho ứng viên kia. Tuy nhiên, theo luật hiện hành ở hầu hết các bang, điều này hiếm khi xảy ra.

Thứ hai, luật kiểm lại phiếu ở Mỹ đã lỗi thời. Hầu hết các bang cho phép ứng viên đề nghị kiểm lại phiếu trong trường hợp thất cử. Nếu kết quả sít sao, bang đó thường sẽ trang trải các chi phí phát sinh liên quan đến kiểm lại phiếu. Nhưng ngược lại, ứng viên buộc phải gánh chi phí. Ví dụ, tại bang Wisconsin, ứng viên sẽ phải trả chi phí kiểm lại phiếu nếu tỷ lệ chênh lệch phiếu lớn hơn 0,5%.

Quy định này được áp dụng từ thời máy tính chưa phổ biến, lỗi kiểm phiếu chủ yếu do yếu tố con người. Tuy nhiên, đến nay khi công nghệ phát triển, phần mềm chứa mã độc có thể dễ dàng làm thay đổi tỷ lệ chênh lệch, thì quy định trên dường như không còn ý nghĩa nếu có xảy ra trường hợp tin tặc tấn công.

Thứ ba, kiểm lại phiếu cũng là một cách để củng cố lòng tin của công chúng. Bang Wisconsin và Michigan chủ yếu sử dụng phiếu giấy do đó việc kiểm lại kết quả tương đối dễ dàng. Trong khi đó, Pennsylvania dùng cả phiếu giấy và hệ thống bỏ phiếu điện tử, nên việc kiểm lại sẽ khó khăn hơn, nhưng ít nhất số phiếu giấy có thể kiểm lại.

Thời gian không còn nhiều bởi hạn chót kiểm phiếu tại các bang này là từ 25-30/11. Tuy nhiên, đến nay, bà Clinton vẫn không có động thái nào cho thấy sẽ khiếu nại kết quả bầu cử. Điều này được cho là bởi 2 lý do. Thứ nhất, yêu cầu kiểm lại phiếu sẽ tốn phí hàng triệu USD, song đây không phải là trở ngại quá lớn. Thứ hai, trong chiến dịch tranh cử, bà Clinton từng cam kết sẽ chấp nhận kết quả bầu cử ngay cả khi thất bại để tránh xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống bầu cử.

Tuy nhiên, trong thời đại mà hệ thống bỏ phiếu hoàn toàn có nguy cơ bị tin tặc tấn công, việc kiểm lại phiếu có thể là cách để củng cố lòng tin của cử tri,

Minh Phương

Theo Atlantic, Vox

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm