Vệ tinh Mỹ ở đâu khi Nga áp sát Kharkov khiến Ukraine không kịp trở tay?
(Dân trí) - Các vệ tinh Quân đội Mỹ không hề hay biết về cuộc tấn công với số lượng hàng chục nghìn quân của Nga vào sáng sớm ngày 10/5 dẫn tới việc Ukraine phải triệt thoái khỏi nhiều vị trí ở Kharkov.
Tình báo vệ tinh của Mỹ ở đâu lúc Nga tràn về Kharkov?
Lực lượng Moscow tiếp tục các cuộc tấn công quy mô lớn theo hướng Kharkov và họ đã nhanh chóng giành được 224,2 km2 diện tích chỉ trong vòng 72 giờ.
Trang Topwar đưa tin, quân đội Nga đã giành được hơn 10 khu định cư trong một đợt tấn công với thiệt hại không đáng kể.
Điều đáng chú ý là thế trận phòng thủ tại biên giới đã bị xuyên thủng ngay lập tức, Kiev không kịp trở tay bởi cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ lâu của lực lượng Moscow được triển khai bí mật bất ngờ.
Binh sĩ đối phương bị bao vây bởi hỏa lực chính xác của Quân đội Nga và phải rút lui khẩn cấp khỏi chiến trường. Lực lượng xung kích Nga nhàn nhã đi qua tuyến phòng thủ của đối phương gần biên giới mà không hề gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.
Đồng thời, nhóm phương Bắc do Bộ Quốc phòng Nga bí mật thành lập, với lực lượng của Quân khu Leningrad làm nòng cốt đã triển khai ít nhất 45.000 quân theo các hướng Belgorod, Kursk và Bryansk… Ngoài ra, còn có ít nhất 70.000 quân đang túc trực theo hướng Voronezh và Orel.
Tuy nhiên, điều khiến thế giới bên ngoài bối rối là tại sao Mỹ không cung cấp cho Ukraine hình ảnh vệ tinh và thông tin tình báo quân sự về cuộc tấn công của Nga vào Kharkov với quy mô lớn như vậy? Quân đội Mỹ như thể "không hề hay biết" về việc Nga tăng cường binh lực tại khu vực biên giới.
Tại sao Kiev lại chịu thất bại nhanh như vậy khi đối mặt với cuộc tấn công của Nga? Đây là câu hỏi tranh cãi trong nội bộ của Ukraine và cả NATO.
Tuyến phòng thủ Kharkov mỏng "như tờ giấy"
Cuộc tấn công của Nga vào Kharkov có thể chia làm 2 cụm chiến đấu, trong đó cụm chiến đấu phía tây theo hướng Liptsy gồm lực lượng thuộc Quân đoàn 11 của Quân khu Leningrad là chủ yếu. Cụm chiến đấu phía đông theo hướng Volchansk chủ yếu bao gồm Quân đoàn 44 và Quân đoàn 6 thuộc Quân khu Leningrad.
Trong 2 cụm chiến đấu đều có sự góp mặt của lực lượng đặc biệt thuộc tình báo Quân đội Nga (GRU) và Nhóm tác chiến đặc biệt của lực lượng vệ binh Chechnya.
Khi cuộc tấn công được phát động vào sáng sớm ngày 10/5 theo giờ địa phương, quân đội Nga ban đầu bố trí lực lượng tấn công tuyến đầu làm nhiệm vụ trinh sát tiền phương.
Tuy nhiên, chỉ với lực lượng như vậy Nga cũng đủ khiến quân Ukraine gục ngã ngay từ lần chạm trán đầu tiên. Tuyến phía trước của lực lượng Kiev không có ý định đương đầu do thiếu công sự và hỏa lực yểm trợ. Giải pháp tốt nhất là rút lui ngay sau khi cuộc tấn công diễn ra.
Lúc này, các đơn vị xung kích của Nga cuối cùng cũng vượt qua khu vực phòng thủ của Ukraine gần biên giới.
Về vấn đề này, chỉ huy lực lượng đặc biệt Ukraine, tướng Denis Yaroslavsky, người được truyền thông Anh phỏng vấn, đã công khai cáo buộc chính quyền Kiev không quyết tâm xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới, dẫn đến một lượng lớn công sự và trận địa phòng thủ trở nên kém hiệu quả.
Vị tướng cho rằng, việc xây dựng các công sự phòng thủ quy mô lớn ở khu vực biên giới rất tốn kém và chu kỳ dự án kéo dài nên cần phải lập kế hoạch dài hạn và giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, có thể thấy từ tình hình thực tế trên chiến tuyến rằng, chính quyền Kiev đã giao việc xây dựng các công sự và chiến hào cho các công ty địa phương với giá rất thấp do không đủ kinh phí.
Tuyến phòng thủ Longya, các bãi mìn và hệ thống hào không hề có chất lượng. Trước khi Nga phát động cuộc tổng tấn công, họ đã phá hủy vành đai phòng thủ biên giới của đối phương một cách đáng kể.
Lực lượng Kiev dù có đưa bao nhiêu quân tới phòng tuyến này thì cũng vẫn vô ích, vì không có công sự che chắn, khiến binh sĩ và vũ khí lộ ra dưới hỏa lực đối phương.
Xung đột nội bộ trong lãnh đạo Ukraine
Hiện có thông tin đang có xung đột nội bộ gay gắt trong giới lãnh đạo cao nhất của Ukraine, và việc ai sẽ chịu trách nhiệm cho tuyến phòng thủ Kharkov thất bại càng khó hiểu hơn.
Sau thất bại trên tiền tuyến, Trung tướng Budanov - Giám đốc tình báo Ukraine, người được mệnh danh là "cánh tay phải" của Tổng thống Zelensky - bắt đầu lên tiếng, khơi mào cho cuộc xung đột nội bộ gay gắt.
Ngày 11/5, ngay sau khi người chỉ huy chính chịu trách nhiệm phòng thủ Kharkov bị cách chức, tướng Budanov đã đích thân tới tỉnh Kharkov để thị sát chiến trường. Ông công khai cáo buộc trên mạng xã hội rằng, các hành động phòng thủ của tướng Alexander Syrsky - Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine - đã thất bại.
Người ta thường tin rằng, tướng Budanov sẽ đích thân chỉ huy lực lượng phòng thủ của quân đội Ukraine theo hướng Kharkov. Tuy nhiên, hệ thống quân sự và hệ thống tình báo Ukraine luôn mâu thuẫn, nếu xung đột nội bộ giữa hai bên tiếp tục gia tăng, thì việc chỉ huy và kiểm soát quân đội Ukraine sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không chỉ vấn đề đấu đá nội bộ cấp cao mới gây thêm khó khăn, khi xét đến việc Nga đang tiếp tục tăng cường tập trung lực lượng trên hướng này, một khi Moscow chiếm được hai cứ điểm Liptsy và Volchansk, họ sẽ thẳng tiến vào Kharkov.
Một mặt, Liptsy chỉ cách thành phố Kharkov 26km, khoảng cách đủ để pháo binh Nga có thể tiến hành bao vây hỏa lực mật độ cao vào các mục tiêu trong thành phố bất cứ lúc nào. Mặt khác, điều này buộc Ukraine triển khai quân từ khắp nơi về để vá lỗ thủng, như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu khả năng chiến đấu của chính họ ở các hướng phòng thủ đó.
Tính đến sáng 12/5, Ukraine đã điều nhiều đơn vị từ vùng Kherson và hạ lưu sông Dnieper về Kharkov, đồng thời trên mặt trận Zaporizhia và Donbass, một số đơn vị cơ động tinh nhuệ của họ cũng đã được rút đi để tăng viện cho Kharkov. Thực tế này đủ thấy tình hình tại đây khó khăn như thế nào.
Nhìn chung, Nga hiện có lợi thế rất lớn về sức mạnh, nguồn cung cấp đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tuy nhiên, do hạn chế về chiều rộng của chiến trường Kharkov hiện nay, nên số lượng quân Nga được triển khai chỉ đạt mức 1 quân đoàn.
Nếu chiến dịch được mở rộng sang cả khu vực Sumi, tổng sức mạnh của "Cụm chiến dịch phía Bắc" của Nga có thể lên tới 100.000 đến 120.000 quân. Khi đó, họ sẽ mở rộng chính diện và chiều sâu tiến công, hút nhiều đơn vị đối phương tới đây, tạo ra nhiều lỗ hổng hơn trong tuyến phòng thủ của Ukraine ở Donbass, Zaporizhia mà Nga có thể tận dụng.
Đồng thời, với sự tập trung lực lượng lớn, quân đội Nga sẽ có phương án vu hồi về phía nam từ hướng Kharkov để tấn công các mục tiêu quan trọng là Izyum và Kupyansk giáp giới với khu vực Donbass, hoặc họ có thể lựa chọn bao vây Kharkov.
Chính cảnh sát trưởng của một khu định cư gần Kharkov nói với phóng viên Kyiv Independent: "Lần trước (2/2022), quân Nga ập vào êm ru, hầu hết người dân thậm chí còn chẳng hay biết gì. Đến trưa thì họ đã xâm nhập tới ngoại ô Kharkov. Đến lần này, khi tiến vào, có thể họ sẽ san bằng tất cả trước, sẽ chẳng còn gì sót lại ở đây".