"Vật thể lạ" xuất hiện trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga
(Dân trí) - Một vật thể lạ có hình dáng giống tổ hợp phòng không Pantsir-S1 đã được nhìn thấy trên nóc trụ sở Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/1.
Trang Ukrainska Pravda hôm 20/1 đưa tin một vật thể lạ đã được nhìn thấy trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga tại thủ đô Moscow. Theo giới quan sát, đây được cho là tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1. Quân đội Nga trong thời gian qua đã liên tục điều các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại đến khu vực thủ đô Moscow để bảo vệ thành phố này trước nguy cơ bị tấn công bởi vũ khí tầm xa của Ukraine.
Các hình ảnh được người dân Moscow đăng tải cho thấy các cần cẩu hạng nặng đã đưa ít nhất 2 tổ hợp Pantsir-S1 lên nóc 2 tòa nhà cao tầng ở thủ đô. Các chuyên gia quân sự nhận định các tổ hợp phòng không này sẽ được bố trí trên sân đỗ trực thăng của các tòa nhà trên.
Bên cạnh Pantsir-S1, các trận địa S-400 cũng đã được ghi nhận tại một số khu vực ở Moscow, bao gồm bên trong khuôn viên của Học viện nông nghiệp Timiryazovo cùng nút giao đường cao tốc Rublevo - Uspenske.
Đây được xem là động thái tăng cường cảnh giác của Nga trước thông tin phương Tây đang cân nhắc chuyển giao thêm nhiều tổ hợp vũ khí tầm xa cho Ukraine. Tuy các nhà tài trợ vũ khí cho Ukraine liên tục khẳng định những khí tài này sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, trong thời gian qua, nhiều vụ nổ vẫn xảy ra tại một số căn cứ quân sự nằm bên trong biên giới của Moscow. Quân đội Nga đã cáo buộc phía Ukraine là chủ mưu của các vụ tấn công này nhưng Kiev bác bỏ.
Pantsir-S1 là một tổ hợp tên lửa và pháo phòng không hiện đại của quân đội Nga. Tổ hợp này được phòng thiết kế KBP thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2003, với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu bay tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, Pantsir-S1 được trang bị các pháo phòng không tự động và tên lửa đất đối không để tấn công mục tiêu bay của đối phương.
Tổ hợp Pantsir-S1 được điều khiển và dẫn đường bởi các radar cực nhạy, thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và hệ thống máy tính bên trong đài chỉ huy. Tại chiến trường Ukraine, Pantsir-S1 được sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ các lực lượng Nga trước sức tấn công của tên lửa, hỏa tiễn và UAV Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga trước đó khẳng định tỷ lệ đánh trúng của tổ hợp Pantsir-S1 ở Ukraine lên tới 100%.
S-400 là tổ hợp phòng không di động tầm cao đa năng được Nga phát triển dựa trên dòng tên lửa huyền thoại S-300. Được trang bị nhiều công nghệ mới, tên lửa này có tầm hoạt động lên tới 400km và có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có chế áp điện tử cao.
Việc kết hợp giữa Pantsir-S1 và S-400 cho thấy quân đội Nga đang muốn tạo ra một hệ thống lưới lửa đan xen, qua đó tăng cường khả năng bảo vệ thủ đô Moscow trước mọi vũ khí tấn công của đối phương.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin trên.