1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Lá chắn thép" hiếm gặp của Ukraine khai hỏa bắn hạ trực thăng Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng tổ hợp phòng không S-300V1 để bắn hạ một trực thăng của Nga.

"Hôm 8/1, trong khoảng thời gian từ 11h - 14h, các binh sĩ của Bộ Tư lệnh Không quân Trung tâm đã sử dụng tổ hợp phòng không S-300V1 để bắn hạ một trực thăng của đối phương và một máy bay không người lái Orlan-10 có nhiệm vụ do thám vị trí đóng quân của chúng ta ở mặt trận phía Đông. Trực thăng bị bắn hạ nhiều khả năng là một trực thăng tấn công Ka-52", Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.

"Lá chắn thép" cực hiếm S-300V1 của Ukraine khai hỏa

Cùng với chia sẻ trên, một đoạn video ghi lại cảnh tổ hợp phòng không S-300V1 khai hỏa cũng đã được lan truyền rộng rãi. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về tổ hợp phòng không cực hiếm này của Ukraine được ghi nhận trong thực chiến.

Theo giới quan sát, trước khi nhận được những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại từ phương Tây, S-300V1 là hệ thống phòng không có tầm bắn xa và uy lực nhất trong biên chế quân đội Ukraine. Tuy nhiên, Kiev lại sở hữu rất ít hệ thống này. Theo một số báo cáo, Ukraine chỉ kịp tái biên chế một đơn vị S-300V1 vào năm 2014, sau thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Được đặt trên khung gầm xe tải quân sự bánh xích, S-300V1 có khả năng di chuyển trên nhiều điều kiện địa hình hơn so với các phiên bản S-300 tiêu chuẩn. Vũ khí của các tổ hợp loại này là các tên lửa 9M83 với tầm bắn khoảng 75km. Ngoài ra, một số phiên bản S-300V1 cũng được trang bị các tên lửa 9M82 với tầm bắn được tăng lên thành 100km.

Các tổ hợp S-300V1 được thiết kế và chế tạo từ thời Liên Xô với mục đích bảo vệ các mục tiêu quân sự, vũ khí, binh sĩ và các công trình trọng yếu trước nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của đối phương. Ngoài ra, với khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết và chống chọi với khả năng gây nhiễu điện tử tần suất cao của đối phương, S-300V1 thường được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Việc đưa tổ hợp S-300V1 vào tham chiến cho thấy Ukraine đang nỗ lực hết sức nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống phòng không của nước này. Liên tục trong những ngày qua, các đợt tập kích bằng tên lửa và UAV cảm tử của Nga đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho phía Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức chính phủ cao cấp khác đã liên tục lên tiếng kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm tên lửa phòng không. Đáp lại lời kêu gọi này, vào tháng 12/2022, Mỹ đã chấp thuận gửi tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cho Kiev.

Theo Menafn
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm