Uy lực khí tài Mỹ dùng để kiềm tỏa Trung Quốc ở Thái Bình Dương
(Dân trí) - Với khả năng hoạt động trong âm thầm, có thể triển khai số lượng lớn vũ khí uy lực, các tàu ngầm được xem là công cụ đắc lực để Mỹ phô diễn sức mạnh ở Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc.
Trong tháng này, lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thông báo các tàu ngầm đang được triển khai ở tuyến đầu của họ đang đồng loạt tiến hành "các hoạt động ứng phó dự phòng" ở Tây Thái Bình Dương để ủng hộ chính sách "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở".
Theo National Interest, đây không chỉ là động thái thể hiện rằng quân đội Mỹ không bị ảnh hưởng hoạt động bởi đại dịch Covid-19 mà còn nhằm gửi thông điệp nhằm "nắn gân" các động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Trang tin Honolulu Star-Advertiser cho hay, có ít nhất 7 tàu ngầm tham gia hoạt động trên, nhưng con số này có thể nhiều hơn, bao gồm tất cả 4 tàu ngầm tấn công tại căn cứ ở Guam, tàu USS Alexandria đóng tại San Diego và một số đóng tại Hawaii. Việc triển khai lực lượng hùng hậu là một phần trong nỗ lực thể hiện sức mạnh của hải quân Mỹ trong khu vực đồng thời phô diễn khả năng của Lầu Năm Góc trong việc triển khai lực lượng tác chiến linh hoạt và không thể đoán trước.
Trong bối cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Mỹ vẫn còn đội tàu ngầm uy lực sở hữu khả năng triển khai nhanh chóng, năng lực tác chiến dưới lòng đại dương và có hệ thống vũ khí đủ khả năng ứng phó với khủng hoảng và xung đột trong khu vực.
Hải quân Mỹ thông báo các tàu ngầm đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và triển khai các khả năng tác chiến dưới biển để hỗ trợ một loạt các nhiệm vụ.
"Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã nhiều lần thể hiện rằng họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi", Chỉ huy Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn tướng Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Blake Converse cho biết.
Khí tài uy lực
Tàu ngầm được coi là một khí tài quan trọng trong việc duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông, và lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Mỹ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Mặt khác, 3 trong số các tàu ngầm của Hạm đội 7 Mỹ đã tham gia một cuộc diễn tập chiến đấu nâng cao trong tháng này ở vùng biển gần Philippines, và liên quan đến việc tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, các kịch bản tác chiến trên mặt nước và trên cạn.
Hải quân Mỹ tái khẳng định rằng các hoạt động này nhằm đảm bảo lực lượng tàu ngầm luôn sẵn sàng và đáp ứng mọi nhiệm vụ. Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương có khả năng tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu nổi, tấn công trên bộ chính xác, tình báo, giám sát, trinh sát và cảnh báo sớm, khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên khắp thế giới.
"Các hoạt động của chúng tôi là một minh chứng cho thấy chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do theo luật pháp quốc tế," Đô đốc Converse nói thêm.
Một trong những tàu ngầm uy lực nhất Mỹ đang triển khai ở Thái Bình Dương là USS Ohio - tàu ngầm lớn nhất Mỹ từng đưa vào biên chế. Ngoài tầm hoạt động "không có giới hạn" do chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu Ohio có thể mang tối đa 154 tên lửa hành trình "sứ giả chiến tranh" Tomahawk, nhiều hơn 50% so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường và hơn gần 4 lần so với tàu ngầm tấn công mới nhất được Mỹ phát triển.
Dù Hải quân Mỹ có thể điều động lượng khu trục hạm mang nhiều tên lửa hơn con số 154, nhưng việc các tàu ngầm lớp Ohio có thể tác chiến độc lập và khó bị phát hiện khi di chuyển âm thầm dưới lòng đại dương, mang lại cho nó lợi thế nhất định.
Ngoài ra, khi USS Ohio vận hành ở Thái Bình Dương, việc dò tìm nó sẽ trở nên khó khăn vì tàu hoạt động ở vùng nước sâu. Thêm vào đó, đối thủ chính của Mỹ ở khu vực, Trung Quốc, có lực lượng săn ngầm chỉ được thiết kế để hoạt động ở phạm vi gần bờ.