1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ: "Bóng ma" chất đầy Tomahawk trong lòng đại dương

Những chiếc tàu ngầm tên lửa tàng hình lớp Ohio là loại tốt nhất mà Hải quân Mỹ từng sở hữu và Trung Quốc có lý do để e ngại chúng.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ tìm cách tăng cường năng lực quân sự trong bối cảnh khả năng "chống tiếp cận/chống truy cập (A2/AD)" của các đối thủ chiến lược như Trung Quốc được gia tăng đáng kể.

Theo tạp chí The National Interest, Mỹ hiện sở hữu 2 khả năng tấn công sâu, có cơ hội vượt qua rào cản A2/AD nhiều hơn. Thứ nhất là máy bay ném bom tàng hình của lực lượng không quân. Thứ hai là tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM) triển khai trên tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm của lực lượng hải quân.

Liên quan đến Tomahawk, tàu ngầm tên lửa hành trình hạt nhân lớp Ohio được đánh giá là mạnh nhất khi triển khai TLAM. Với khả năng tàng hình và hỏa lực vượt trội, tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ được cho là nền tảng đối kháng A2/AD lý tưởng trong kho vũ khí của Washington.

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ: Bóng ma chất đầy Tomahawk trong lòng đại dương - 1

Những chiếc tàu ngầm tên lửa tàng hình lớp Ohio là loại tốt nhất mà Hải quân Mỹ từng sở hữu và Trung Quốc có lý do để e ngại chúng. Ảnh: The National Interest

 

Ban đầu, các tàu ngầm dạng này là các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, sau đó được chuyển đổi để gia tăng sức mạnh. 

Trong quá trình chuyển đổi, 22/24 ống phóng tên lửa đạn đạo của tàu ngầm được chỉnh sửa, qua đó lưu trữ và phóng được 7 quả TLAM mỗi ống. Hai ống phóng còn lại cũng được điều chỉnh để hỗ trợ các hoạt động đặc biệt của đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Mỹ.

Kể từ đó, tàu ngầm lớp Ohio có thể mang theo 154 quả TLAM. Con số này chiếm hơn một nửa tổng số tên lửa sử dụng trong chiến dịch "Bão táp sa mạc" (Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991).

Hơn nữa, tàu ngầm có khả năng phóng toàn bộ kho vũ khí Tomahawk trong ít nhất 6 phút, tạo ra hỏa lực xung kích lớn. Đây là yếu tố rất quan trọng khi mở đầu chiến dịch chống lại A2/AD. Nếu A2/AD bị đánh sập, các máy bay của không quân Mỹ sẽ dễ dàng triển khai những hoạt động kế tiếp ở vòng trong.

Điều đáng chú ý là trong quá trình triển khai tàu ngầm lớp Ohio USS Florida cho chiến dịch "Bình minh Odyssey", lần đầu tiên một tàu ngầm loại này sử dụng tới 50/112 quả TLAM để làm tê liệt mạng lưới phòng không của Libya.

Tải trọng TLAM lớn của tàu ngầm lớp Ohio khiến chúng không có đối thủ về mặt tấn công trên bộ so với các khí tài quân sự tương tự của Hải quân Mỹ. Chẳng hạn, hai tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) lớp Virginia và lớp Los Angeles cải tiến chỉ mang theo được 12 quả Tomahawk.

Không dừng lại ở đó, tàu ngầm lớp Ohio với khả năng tàng hình giúp chúng hoạt động gần kẻ thù hơn cũng như có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu trên đất liền. Sau khi phóng tên lửa, loại tàu ngầm này sẽ xóa dữ liệu và tiếp tục hoạt động âm thầm, trở thành một "bóng ma" khó nắm bắt trên biển.

Tuy nhiên, một vấn đề mà Hải quân Mỹ chưa thể giải quyết, đó là khả năng bổ sung tên lửa trên biển cho tàu ngầm lớp Ohio. Sau khi phóng toàn bộ tên lửa TLAM, chúng phải quay trở lại cảng để nạp thêm do các tàu sân bay Mỹ không thể đến quá gần đối phương để tiếp tên lửa cho chúng.

Theo Phạm Nghĩa
Người Lao Động