1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực 2 tên lửa Nga mà Ukraine thừa nhận "không thể đánh chặn"

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Không quân Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn 2 loại tên lửa hành trình của Nga.

Đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/3, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập kích đường không quy mô lớn với 81 tên lửa được bắn vào nhiều mục tiêu năng lượng và dân sự của Ukraine. Lực lượng phòng không Ukraine sau đó tuyên bố đã bắn hạ 34 tên lửa của Nga.

Uy lực 2 tên lửa Nga mà Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn - 1

Hỏa hoạn xảy ra tại một tòa chung cư ở thành phố Lviv sau khi bị tên lửa Nga đánh trúng (Ảnh: Nexta).

Tuy nhiên, theo Đại tá Yurii Ihnat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, các vũ khí hiện có trong biên chế quân đội Ukraine không có khả năng đánh chặn 2 loại tên lửa được Nga sử dụng trong trận tập kích hôm 8/3, đó là tên lửa siêu thanh Kinzhal cùng "sát thủ tàu sân bay" Kh-22.

"Các tổ hợp phòng không của chúng ta có khả năng đánh chặn nhiều loại tên lửa hành trình. Tuy nhiên, chúng ta không thể chống lại được các tên lửa Kinzhal và Kh-22 vì chúng bay theo quỹ đạo đạn đạo và các tổ hợp phòng không hiện tại của Ukraine không có đủ năng lực đánh chặn", ông Ihnat chia sẻ.

Tên lửa "dao găm" Kinzhal

Uy lực 2 tên lửa Nga mà Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn - 2
Máy bay chiến đấu MiG-31 mang tên lửa Kinzhal của Nga (Ảnh: The Defense Post).

Kinzhal ("dao găm") là một loại tên lửa siêu vượt âm của Nga. Truyền thông Nga tuyên bố tên lửa Kinzhal có tầm bắn khoảng 2.000km, tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh, khoảng hơn 12.000 km/h, khiến việc đánh chặn gần như là không thể. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng 500kg, hoặc đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 100-500kt.

Đây là một trong 6 vũ khí chiến lược được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang vào năm 2018. Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần khẳng định tên lửa Kinzhal vô hình và được coi là bất khả chiến bại với bất cứ hệ thống phòng không, chống tên lửa nào của đối phương.

Phát biểu tại cuộc họp với các tùy viên quân sự nước ngoài hồi tháng 12/2022, Đại tướng Valery Gerasimov của Nga nhấn mạnh: "Hệ thống tên lửa Kinzhal đã chứng minh hiệu quả cao và khả năng bất khả xâm phạm đối với các hệ thống phòng không được triển khai ở Ukraine".

Trước đó, vào tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng Ukraine đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ bị tấn công bởi các tên lửa Kinzhal từ các chiến đấu cơ MiG-31 của Nga từ lãnh thổ Belarus. Quân đội Nga được cho là đang duy trì một phi đội đông đảo tiêm kích MiG-31 tại các sân bay quân sự Machulishchy và Baranovichi tại Belarus.

Nhận xét về uy lực của tên lửa Kinzhal, các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết "Nga đã phát triển loại tên lửa độc đáo này nhằm dễ dàng tập kích các cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương. Tốc độ cao kết hợp với quỹ đạo bay khó lường cùng khả năng cơ động vượt trội khiến cho việc đánh chặn tên lửa này gặp rất nhiều khó khăn". 

Theo giới quan sát, việc đưa tên lửa Kinzhal tham chiến hôm 8/3 cho thấy quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật tập kích Ukraine. Thời gian tới, Moscow có thể tăng cường sử dụng loại vũ khí có uy lực và tốc độ đáng gờm này để đối phó với hệ thống phòng không ngày càng được tăng cường của Kiev. 

"Sát thủ tàu sân bay" Kh-22

Uy lực 2 tên lửa Nga mà Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn - 3

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 mang theo tên lửa Kh-22 của Nga chuẩn bị cho một nhiệm vụ chiến đấu (Ảnh: Tass).

Raduga Kh-22 là loại tên lửa chống hạm cỡ lớn được phát triển từ thời Liên Xô. Với khối lượng gần 6 tấn, chiều dài 11,6m, tên lửa này có thể mang theo đầu đạn thường hoặc một đầu đạn hạt nhân với sức công phá lên tới 1.000kt.

Sử dụng một động cơ nhiên liệu lỏng, Kh-22 có thể bay với tốc độ tối đa 5.600km/h, gấp gần 5 lần tốc độ âm thanh. Tầm bắn của tên lửa này đạt khoảng 600km. Ngoài ra, nhiều phiên bản cải tiến của Kh-22 cũng được trang bị hệ thống radar kết hợp định vị tiên tiến, cho phép nó di chuyển linh hoạt và tấn công mục tiêu một cách chính xác hơn.

Với uy lực và tính năng vượt trội, Kh-22 được giới quan sát quân sự mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Một số tờ báo của phương Tây thậm chí còn miêu tả tên lửa này như là "một vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn". Các nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô chịu trách nhiệm chế tạo Kh-22 tiết lộ, loại vũ khí này được thiết kế để đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương.

Tại Ukraine, Nga đã bắt đầu sử dụng tên lửa Kh-22 để tập kích các mục tiêu cỡ lớn của Kiev nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tên lửa hành trình có độ chính xác cao. Sự thay đổi mang tính tình thế này của Moscow đã mang đến hiệu quả bất ngờ. Vào tháng 1/2023, tướng Nikolai Oleshuk, Tư lệnh Không quân Ukraine thừa nhận trong gần một năm chiến sự, Nga đã phóng hơn 200 tên lửa chống hạm Kh-22 nhưng Ukraine chưa bắn rơi được bất cứ quả nào.

Các chuyên gia cho rằng uy lực của tên lửa hành trình Kh-22 cũng như Kinzhal cho thấy tầm quan trọng của việc viện trợ các tổ hợp phòng không hiện đại của phương Tây cho Ukraine. Vào năm 2022, Mỹ cùng các đồng minh NATO đã cam kết sẽ chuyển giao các tổ hợp Patriot cùng NASAM cho Kiev. Các vũ khí hiện đại này hiện đang được khẩn trương huấn luyện cho binh sĩ Ukraine và sẽ sớm được đưa vào tham chiến.

Theo Tass, Guardian, Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine