Ukraine tố Nga "xâm lược quân sự" ở Crimea
(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine cáo buộc quân đội Nga đang tiến hành "xâm lược quân sự" khi phong tỏa sân bay Sevastopol ở vùng Crimea của Ukraine. Đây là một trong hai sân bay bị chiếm. Song Đài tiếng nói nước Nga cho biết quân đội Nga không tham gia vào hoạt động phong tỏa.
300 nam giới có vũ trang phong tỏa sân bay quân sự Belbek tại Sevastopol, Crimea
Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Ukraien Arsen Avakov gọi sự hiện diện của họ là “xâm lược vũ trang”.
Hãng thông tấn Interfax của Ukraine đưa tin binh sỹ trong quân phục của Nga, đội mũ bảo hiểm và mặc quân phục chống đạn, được xe bọc thép chở quân hộ tống, đã chiếm vị trí ở vòng ngoài của một sân bay quân sự tại Sevastopol. Hãng thông tấn này dẫn các nguồn tin quân sự trong vùng cho biết họ đã tới sân bay quân sự Belbek nhằm ngăn “các chiến đấu cơ” bay vào.
Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov cho biết trên facebook rằng sân bay quốc tế Belbek ở Sevastopol đã bị các đơn vị của hải quân Nga phong tỏa và gọi đây là “xâm lược và chiếm đóng quân sự”.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov cáo buộc Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Thật không may…các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đang góp phần ngày một trực tiếp vào sự leo thang của cuộc xung đột này và…đang di chuyển quanh Cộng hòa tự trị Crimea bằng vũ khí ở những khu vực không được Ukraine thỏa thuận”, ông cho biết trước quốc hội ở Kiev.
Hãng thông tấn Unia của Ukraine dẫn lời người đứng đầu ca trực đêm ở sân bay tại Belbek, Anatoliy Rechenko, cho hay có khoảng 300 nam giới trang bị vũ khí hiện diện tại đó. Và người này cho rằng họ “là binh sỹ Nga”. Theo Rechenko, sân bay hiện đã đóng cửa và các chuyến bay đã bị hủy.
Theo phóng viên BBC, hiện họ chưa liên hệ được với lực lượng chiếm lối vào chính sân bay Sevastopol. Theo đánh giá từ bên ngoài, thì đây là nhóm thuộc đơn vị bán quân sự, mang súng trường tự động hiện đại.
Cũng theo BBC, lối vào sân bay ở Sevastopol đã bị chặn bằng rào chắn và cách đó là một xe quân sự cùng một nhóm người mặc quân phục đứng chắn ngang đường.
Sevastopol là sân bay quốc tế, song các chuyến bay dân sự đã bị ngưng từ vài năm trước. Hiện sân bay do Bộ quốc phòng Ukraine sở hữu và là nhà của các máy bay Mig 29 của lực lượng không quân Ukraine.
Chính phủ Ukraine đã kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giám sát tình hình ở đất nước này.Đài truyền hình tư nhân Ukraine 5 Kanal đưa tin một tàu tên lửa quân sự Nga đã phong tỏa lối vào Vịnh Balaklava, Sevastopol. Khoảng 20 lính thủy đánh bộ Nga đang ở bên ngoài đơn vị biên giới Ukraine ở Balaklava
Do những diễn biến mới ở Ukraine, nên ngân hàng trung ương nước này công bố giới hạn rút ngoại tệ: mức tối đa chỉ tương đương với 15,000 hryvna/ngày, tức £894; 1.089 euros; $1.490.
Sớm ngày hôm nay 28/2, một nhóm vũ trang khoảng 50 người cũng đã chiếm sân bay chính khác, sân bay Simferopol, ở Crimea.
Theo BBC, nhóm vũ trang mặc quân phụ ở bên ngoài sân bay quốc tế Simferopol có vẻ như không đeo bất kỳ phù hiệu nào, song họ đi cùng các nhóm ủng hộ thân Nga, đeo Ruy-băng Thánh George.
Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Viktor Yanokovych bị quốc hội Ukraine phế truất vào tuần trước. Ông Viktor Yanokovych hiện đang ở Nga và dự kiến sẽ tổ chức họp báo từ thành phố Rostov-on-Don ở miền nam nước Nga vào 5 giờ chiều nay 28/2 giờ Mátxcơva (8 giờ tối giờ Hà Nội), sau nhiều ngày vắng bóng.
Không rõ những người đàn ông mang vũ trang, mặc quân phục này là ai. Họ tới sân bay ở Simferopol từ sáng sớm.
Vào ngày hôm qua 27/2, nhóm vũ trang ủng hộ Nga đã xông vào tòa nhà quốc hội vùng tự trị Crimea ở thủ phủ Simferopol, giải tán chính quyền và bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Nga phủ nhận
Đài tiếng nói nước Nga đăng tải trên Twitter cho biết: “Quân đội Nga không tham gia phong tỏa sân bay nhỏ Belbek – cung cấp dịch vụ báo chí cho Hạm đội Hắc Hải (của Nga)”.
Phát ngôn viên hạm đội Hắc Hải Nga cho biết với hãng thông tấn Interfax rằng lực lượng của hạm đội này không được triển khai ở Belbek và an ninh đã được thắt chặt quanh các căn cứ hiện nay tại Crimea.
Interfax dẫn thông tin từ Hạm đội Hắc Hải Nga cũng cho hay lực lượng này không chiếm giữ hay có bất kỳ hành động nào ở sân bay quân sự tại Sevastopol.
“Các hoạt động vẫn bình thường”
Các nhân chứng cho biết vỡi hãng thông tấn Interfax-Ukraine rằng khoảng 50 nam giới đã tới sân bay Simferopol mang cờ hải quân Nga.
Sân bay được cho là vẫn hoạt động bình thường.
Một người đàn ông có tên Vladimir cho biết với hãng thông tấn Reuters rằng anh là tình nguyện viên giúp nhóm vũ trang trên, mặc dù anh không biết họ đến từ đâu. “Tôi đi cùng với Lực lượng dân quân Crimea. Chúng tôi là những người bình thường, là những tình nguyện viên”, anh cho hay.
“Chúng tôi ở đây, tại sân bay này, để duy trì trật tự. Chúng tôi sẽ đón các máy bay bằng nụ cười thân thiện. Sân bay đang hoạt động bình thường”.
Nhưng sân bay vẫn hoạt động bình thường, dù có sự hiện diện của họ.
Vào ngày hôm qua, một nhó vũ trang không rõ danh tính khác đã xông vào tòa nhà quốc hội Crimea bằng vũ lực và cắm cờ Nga trên nóc tòa nhà.
Quốc hội Crimea sau đó tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, mở rộng quyền tự trị của vùng vào ngày 25/5 tới.
Những diễn biến mới đây ở vùng Crimea, vùng theo truyền thống dựa nhiều vào Mátxcơva, đã làm gia tăng căng thẳng với Nga. Nga cũng đã triển khai chiến đấu cơ để thị sát các vùng biên giới của mình vào ngày hôm qua.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã kêu gọi các bên “lùi lại và tránh khiêu khích” vào ngày hôm qua. Mỹ cũng đang tìm kiếm xác nhận của Nga sau khi Tổng thống Putin lệnh các lực lượng vũ trang diễn tập nhằm kiểm tra tính tác chiến của quân đội ở quân khu miền trung và miền tây Nga, giáp giới Ukraine.
Ông Kerry cho hay đã nói chuyện với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, người đã cam kết tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.
Crimea, với phần đa là người dân tộc Nga, đã được chuyển từ Nga cho Ukraine và năm 1954, khi Liên Xô chưa tan rã.
Người dân tộc Ukraine trung thành với Kiev và người Hồi giáo Tatar, đã thành lập liên minh phản đối bất kỳ động thái thân Nga nào.
Nga cùng với Mỹ, Anh, Pháp đã cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong bản ghi nhớ ký năm 1994.
Vũ Quý
Theo BBC, AFP, AP