1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine tịch thu 10 tàu Nga giữa lúc chiến sự leo thang

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền Ukraine tuyên bố tịch thu 10 tàu Nga đang bảo dưỡng tại cảng Odessa với mục đích quốc hữu hóa các phương tiện này.

Ukraine tịch thu 10 tàu Nga giữa lúc chiến sự leo thang - 1

Tàu neo đậu tại cảng Odessa, Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Các điều tra viên của Cơ quan Điều tra Quốc gia Ukraine (SBI), với sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ bờ biển và đơn vị 17 của Cục Biên phòng Quốc gia, đã ngăn chặn 8 tàu chở hàng và 2 tàu chở dầu của Nga đang bảo dưỡng tại cảng Odessa rời khỏi Ukraine. Các tàu này có liên quan đến hoạt động hậu cần của Nga trên Biển Đen và sông Danube", tuyên bố của SBI cho biết hôm 12/4.

Theo SBI, cơ quan này sẽ "tiếp tục nỗ lực để phát hiện và quốc hữu hóa" các tài sản của Nga.

Quốc hội Ukraine hồi đầu tháng đã thông qua việc mở rộng luật tịch thu tài sản. Theo đó, việc sửa đổi luật sẽ cho phép chính phủ Ukraine tịch thu và quốc hữu hóa tài sản của công dân Nga trên lãnh thổ Ukraine. Đây là những người có "mối quan hệ gần gũi" với Nga và là các pháp nhân hoạt động ở Ukraine nhưng bên thụ hưởng lại là Nga hoặc Nga sở hữu cổ phần.

Ngoài ra, đạo luật sửa đổi cũng cho phép Ukraine tịch thu tài sản từ những người công khai phủ nhận hoặc ủng hộ "sự gây hấn" của Nga, bất kể quốc tịch của họ hay nơi họ cư trú. Các đối tượng bị tịch thu tài sản cũng có thể bao gồm những người ủng hộ "việc chiếm đóng tạm thời một phần lãnh thổ của Ukraine", ngụ ý bất kỳ ai ủng hộ nền độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, Đông Ukraine như Donetsk và Lugansk, hoặc chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Các tài sản bị tịch thu sẽ được sử dụng để chi cho "các khoản bồi thường cho Ukraine trong tương lai".

Phiên bản trước đó của đạo luật đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký vào tháng 3. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên này chỉ áp dụng đối với các tài sản thuộc sở hữu của chính phủ Nga và các công ty nhà nước Nga.

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal ngày 8/4 tuyên bố tất cả tài sản của Nga sẽ được quốc hữu hóa tại Ukraine. Moscow liên tục hứng các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ cuối tháng 2.

Xung đột leo thang có thể khiến nền kinh tế của Nga và Ukraine tụt giảm với quy mô 2 chữ số trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Ukraine có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với nền kinh tế giảm sút gần 45,1% vào năm 2022, trong khi Nga dự kiến bị sụt giảm 11,2% GDP trong năm nay.

WB cũng dự đoán nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, thêm lệnh trừng phạt được tung ra và giá cả hàng hóa tăng vọt hơn nữa, GDP của Nga sẽ có thể giảm khoảng 20%, trong khi GDP của Ukraine có thể giảm tới 75%.

Bộ Kinh tế Ukraine và Trường Kinh tế Kiev KSE ước tính, cho đến nay, tổng thiệt hại đối với Ukraine do xung đột có thể dao động từ 564 tỷ USD đến 600 tỷ USD, tức là gấp 2,8-3 lần GDP năm 2021.

"Theo ước tính mới nhất của chúng tôi, thiệt hại trực tiếp hiện lên tới 565 tỷ USD, trong đó có 119 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và 91 tỷ USD tổn thất về cơ sở vật chất dân sự. Do chiến tranh, Ukraine mất 54 tỷ USD vốn đầu tư", Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Ihor Diadiura cho biết hôm 4/4.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine