1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nói ở giai đoạn cuối, khó khăn nhất trong cuộc xung đột với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine đang ở giai đoạn cuối cùng nhưng cũng khó khăn nhất của cuộc xung đột với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết.

Ukraine nói ở giai đoạn cuối, khó khăn nhất trong cuộc xung đột với Nga - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Digi24 của Romania hôm 10/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Đây là phần cuối của cuộc xung đột, chứ không phải giai đoạn giữa".

Ông giải thích: "Ở giai đoạn đầu là đối phương tấn công, tiếp đến là chúng tôi ngăn chặn cuộc tấn công đó, giành lại thế chủ động. Tôi nghĩ chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến. Chúng tôi có rất nhiều nỗi sợ hãi, chúng tôi có tiền, chúng tôi có vũ khí, nhưng chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cũng là giai đoạn khó khăn nhất".

Nhà lãnh đạo Ukraine tin tưởng rằng cuối cùng Nga sẽ phải rút quân, song ông không đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

"Chúng tôi đang phản công và tôi biết chắc rằng Nga sẽ phải rút hết quân khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Tôi nghĩ tôi biết đó là khi nào, nhưng tôi không thể tiết lộ ở đây", ông nói.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 600 ngày và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Chiến dịch phản công của Ukraine từ đầu tháng 6 đến nay vẫn chưa mang lại kết quả đột phá. Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng Kiev chỉ còn vài tuần nữa để phản công trước khi thời tiết chuyển bất lợi.

Một số quan chức Ukraine tin tưởng xung đột có thể chấm dứt vào nửa đầu năm sau. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra thận trọng hơn. Theo ông, chiến sự Ukraine - Nga khó chấm dứt nhanh chóng, vì vậy liên minh quân sự này cần chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cũng nhận định Ukraine còn một chặng đường dài đầy thách thức phía trước để đi đến thắng lợi trong cuộc xung đột với Nga.

Xung đột kéo dài làm dấy lên lo ngại tâm lý mệt mỏi ở các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine hơn một năm qua. Tuy nhiên, trong các tuyên bố công khai, lãnh đạo các nước phương Tây cam kết tiếp tục ủng hộ Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/10 cho biết Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ sẽ dẫn dắt một liên minh quốc tế giúp Ukraine xây dựng lực lượng không quân dựa trên nền tảng máy bay chiến đấu hiện đại F-16.

"Tôi vui mừng thông báo rằng Mỹ sẽ một lần nữa tăng cường hỗ trợ dẫn dắt liên minh các nước giúp Ukraine phát triển không quân", Bộ trưởng Lloyd Austin phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bỉ.

Ông cho biết thêm, Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với Ukraine và các đối tác khác để tập trung phát triển năng lực vận hành F-16 cho quân đội Ukraine.

Đan Mạch và Hà Lan là 2 quốc gia đầu tiên cam kết viện trợ F-16 cho Kiev sau khi được Mỹ "bật đèn xanh". Đan Mạch dự kiến sẽ giao 6 chiếc F-16 đầu tiên trong tổng số 19 chiếc F-16 cho Ukraine vào đầu năm sau.

Sau Đan Mạch và Hà Lan đi tiên phong, Bỉ cam kết sẽ giao F-16 cho Ukraine từ năm 2025.

F-16 là máy bay chiến đấu hiện đại do Mỹ sản xuất. Loại máy bay này được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine cải thiện năng lực không quân, tăng khả năng kiểm soát trên không, yểm trợ cho cuộc phản công.

Theo Pravda, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine