Ukraine lộ điểm yếu ở "chảo lửa" Donbass
(Dân trí) - Quân đội Ukraine đang cố gắng hiện đại hóa, song các đơn vị vẫn thiếu khả năng phối hợp với nhau nên họ thường chiến đấu một cách độc lập mà điểm yếu này đôi khi gây ra thiệt hại về người.
Trong những ngày cuối cùng của trận giao tranh ở phía đông thành phố Severodonetsk, một trung sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine đã gặp sự cố: tiểu đội mà ông tham gia bị lộ tuyến phòng ngự, còn ông cần phải báo cho binh sĩ biết quân Nga đang tiến đến. Tuy nhiên, ông lại không thể làm điều đó.
Nhóm 15 binh sĩ hoạt động trong tuyến phòng ngự kéo dài khoảng 180m nhưng lại chỉ có hai bộ đàm. Dù có hét lớn bao nhiêu về phía tuyến phòng ngự nằm trong khu rừng bao quanh thì ông cũng không nhận lại phản hồi nào dưới làn "mưa" đạn của pháo binh và súng máy.
Trung sĩ với mật danh "Tướng quân" này cố gắng chạy đến vị trí của đồng đội, nhưng 3 người trong số đó đã hy sinh. "Chúng tôi không liên lạc được với nhau. Chúng tôi di chuyển sang bên phải phòng tuyến, những binh sĩ phụ trách ở đó đã hy sinh", vị trung sĩ nói.
Trong khi giới chức Ukraine tiếp tục kêu gọi thêm nhiều vũ khí chiến đấu tầm xa, công nghệ cao hơn để cạnh tranh với hỏa lực vượt trội của Nga, thì những thiếu sót nhỏ nhưng rất quan trọng như trên, chính là yếu tố làm suy yếu năng lực chiến đấu của Ukraine.
Thiếu kết nối do bị hạn chế về liên lạc
Sự cố liên lạc mà tiểu đội của trung sĩ "Tướng quân" trải qua hồi đầu tháng này không phải là điều quá xa lạ đối với lực lượng Ukraine đang chiến đấu ở miền đông nước này. Thực tế, đó là một vấn đề phổ biến trên khắp các chiến tuyến và xuất hiện gần như mọi khía cạnh của cuộc chiến, từ việc phối hợp trên chiến trường đến cung cấp vật tư, vận chuyển binh sĩ.
New York Times từng phỏng vấn gần 20 binh sĩ Ukraine trong vài tuần qua và họ đều chỉ ra những vấn đề tương tự: Nga liên tục làm nhiễu bộ đàm, họ không có đủ thiết bị liên lạc, họ thường gặp khó khăn trong việc kết nối với chỉ huy để huy động pháo binh yểm trợ. Họ cho biết việc trao đổi với các đơn vị đóng quân gần đó cũng là một vấn đề, dẫn tới việc lực lượng Ukraine thỉnh thoảng xả súng vào nhau.
Năm 2014, khi lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn thành lập ra hai thiết chế cộng hòa tự xưng ở Donbass, lực lượng vũ trang của Ukraine, vốn được xây dựng theo mô hình quân đội thời Liên Xô, đã phải nhanh chóng hiện đại hóa.
Những năm sau đó, cách tiếp cận này tạo ra sự mất cân bằng. Ukraine dần mua sắm máy bay không người lái, phát triển các chương trình lập bản đồ có thể được sử dụng trên máy tính bảng để hỗ trợ trực tiếp cho lượng pháo binh. Tuy nhiên, họ vẫn có thiếu sót, đó là quá trình hiện đại hóa trên quy mô rộng này không đi đôi với việc chuyển đội lực lượng vũ trang Ukraine. Nói cách khác là quân đội vẫn tổ chức theo những cách thức thời Liên Xô. Điều đó có nghĩa là những lữ đoàn với khoảng 4.000 quân vẫn đang chiến đấu độc lập với nhau, và những vấn đề quan trọng trên chiến trường vẫn phải được quyết định bởi chỉ huy, thay vì trao quyền cho các sĩ quan cấp thấp hơn.
Cuộc giao tranh khốc liệt ở miền Đông đã làm tiêu hao dần nhân lực của quân đội Ukraine. Giới chức ước tính có tới 200 binh sĩ thương vong mỗi ngày. Kết quả là, tiền tuyến giờ đây được phòng thủ bởi những binh lính chưa được huấn luyện kỹ lưỡng. Những tân binh này thường được luân chuyển từ đội Vệ binh Quốc gia và Phòng vệ Lãnh thổ.
"Thật quá tệ khi một số lực lượng của Vệ binh Quốc gia được luân chuyển ra tiền tuyến để chi viện cho một số đơn vị khác. Họ ở chiến trường mà không có gì khác ngoài súng trường", một tài xế xe cứu thương của Lực lượng Vệ binh Quốc gia tên Vadym đóng quân tại Donbass cho hay.
Các binh sĩ trong những đơn vị này cho biết họ thường bị cô lập, ít có cách nào để liên lạc với nhau cũng như với chỉ huy điều khiển pháo binh và xe tăng khi cần thiết. Khi những lực lượng này được luân chuyển đến tiền tuyến, họ biết rất ít về các lực lượng đóng quân lân cận mà chỉ đơn giản gọi họ là "những người hàng xóm".
Kostya, một binh sĩ thuộc đơn vị Phòng vệ Lãnh thổ, vừa được luân chuyển ra mặt trận, cho biết: "Có vẻ như việc liên lạc gặp đôi chút vấn đề, vì khi đi thực hiện một nhiệm vụ nào đó, chúng tôi không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của pháo binh". Đại đội của anh ban đầu có khoảng 100 người, nhưng khoảng 30 người đã tử trận trong những ngày đầu tiên tham chiến.
Trong những ngày cuối cùng của trận chiến ở Severodonetsk hồi tuần trước, khi các lực lượng Ukraine rút về thành phố lân cận Lysychansk, trung sĩ mang mật danh "Tướng quân", 53 tuổi, tiếp tục gặp phải một số vấn đề liên lạc và tổ chức.
Đó là khi xe tăng Nga bỗng nhiên xuất hiện từ rặng cây gần Syrotyne, ngôi làng nhỏ ở vùng ngoại ô phía đông nam Severodonetsk. Một tiểu đội cần pháo binh bắn vào xe tăng của Nga nhưng không thể liên lạc với chỉ huy, vì bộ đàm bị gây nhiễu hoặc không có quan hệ với chỉ huy. Vì thế, họ gọi cho "Tướng quân".
"Tướng quân" sau đó phải điện đàm cho chỉ huy đơn vị quân đội mà ông trực thuộc và hỏi liệu có thể gọi đội pháo binh được không, nhưng đội pháo binh cần tọa độ của xe tăng.
Ông không có bản đồ phù hợp nên đã đề nghị tiểu đội vừa yêu cầu pháo binh điều khiển máy bay không người lái đến vị trí của xe tăng Nga để lấy tọa độ. Song việc này cũng không thuận lợi.
"Khi tôi đang tìm cách gọi pháo binh hỗ trợ, máy bay không người lái lại hết pin. Sau đó, máy phát điện bị hỏng nên họ không thể sạc nó và chúng tôi đã lỡ thời cơ. Xe tăng Nga tiếp tục tiến về phía chúng tôi", trung sĩ "Tướng quân" kể lại.
Quân đội Ukraine ở tiền tuyến thường không thể liên lạc với các đơn vị pháo binh để xin hỗ trợ pháo và bệ phóng tên lửa. Điều đó khiến các đơn vị pháo binh thường dựa vào máy bay không người lái hoặc thông tin tình báo do Mỹ cung cấp. Việc mất kết nối như vậy khiến binh lính trên tiền tuyến ngày càng trở nên đơn độc, dễ thương vong, cũng như khiến một số đội pháo binh phản ứng chậm trước hành động của Nga dọc chiến tuyến.
"Chúng ta sẽ yêu cầu pháo binh nào hỗ trợ? Chúng ta lại không có phương tiện liên lạc… Pháo binh của mình bắn được 2 phát thì chúng ta đã hứng 300 phát rồi", một binh sĩ nói sau khi ra khỏi mặt trận gần thành phố Bakhmut phía đông.
Sự gián đoạn giữa các binh sĩ và đơn vị hỗ trợ trở nên trầm trọng hơn khi lực lượng Nga có sự vượt trội về công nghệ. Quân đội của Nga không chỉ có thể tung ra nhiều trận địa pháo hơn mà còn hoạt động rất hiệu quả trong việc gây nhiễu thông tin liên lạc của Ukraine.
Trung sĩ "Tướng quân" cho biết, 2 bộ đàm của ông liên tục bị gây nhiễu. Theo ông, Nga sẽ sử dụng tín hiệu mạnh hơn trên cùng một tần số.
Binh sĩ ở các đơn vị tinh nhuệ hơn được cấp bộ đàm mã hóa do Mỹ cung cấp và có thể duy trì liên lạc thông suốt, song tần số đầu ra cao của bộ đàm đồng nghĩa phía Nga có thể dễ xác định được vị trí phát sóng của họ.
"Đây là lý do tại sao chúng tôi ngừng liên lạc và chỉ liên lạc ở mức tối thiểu khi cần thiết, như cần sơ tán hoặc cần sự giúp đỡ khẩn cấp", một binh sĩ tên Raccoon cho hay. Một cố vấn phương Tây ở Ukraine cho biết, Mỹ và các đồng minh mới chỉ gửi khoảng 1/4 số bộ đàm an toàn mà Ukraine cần.
Các binh sĩ Ukraine cho biết, thiết bị đáng tin cậy nhất mà họ nhận được, mặc dù với số lượng nhỏ, là internet vệ tinh Starlink. Nó được kích hoạt bởi một ăng-ten hình vuông nhỏ có thể được kết nối để hoạt động giống như bất kỳ mạng wifi nào.
Tuy nhiên, internet vệ tinh, thứ mà đến nay người Nga vẫn chưa thể làm nhiễu được, cũng không phải là cách giải quyết triệt để vấn đề liên lạc của quân đội Ukraine. Những hình ảnh âm u trên tiền tuyến đôi khi biến thành nguyên nhân thiệt mạng khi lực lượng Ukraine nhầm lẫn vũ khí của họ với nhau.
Một binh sĩ nước ngoài đóng tại khu vực phía đông Kharkov kể lại một vụ việc gần đây khi khoảng 5 đơn vị của Ukraine đóng quân trong một khu rừng và nã đạn vào nhau, khiến 2 binh sĩ thiệt mạng. "Không ai trong số họ liên lạc với nhau", binh sĩ vốn là cựu lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh, nói.
Trung sĩ "Tướng quân" cũng gặp phải những vấn đề tương tự trong quá trình bảo vệ Severodonetsk khi tiểu đội của ông đang ở tiền tuyến gần một con sông nhỏ. Ở bờ đối diện là một tiểu đội khác mà anh không có cách nào liên lạc được. Vì vậy, hầu như mỗi khi kẻ thù tấn công, đơn vị khác sẽ bắn, với mọi thứ từ súng trường đến súng máy hạng nặng, không chỉ vào quân Nga mà còn vô tình bắn vào người của anh đang ở trong tầm ngắm.
"Không ai biết làm thế nào để liên lạc với họ", vị tướng quân kia nói. "Trong hơn 20 ngày đóng quân ở đó, không ai có thể kết nối với đơn vị đó để nói cho họ biết họ đang nã súng vào đồng đội dù họ ở ngay bên cạnh chúng tôi".