1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine linh hoạt hơn về kịch bản chấm dứt xung đột với Nga?

Minh Phương

(Dân trí) - Các đồng minh phát hiện rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể đã sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt hơn nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Ukraine linh hoạt hơn về kịch bản chấm dứt xung đột với Nga? - 1

Binh sĩ Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Getty).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai nhấn mạnh các yêu cầu chính của Kiev nhằm chấm dứt xung đột, bao gồm việc Nga rút hết quân khỏi Ukraine, NATO kết nạp Ukraine. Trong tuần này, ông Zelensky một lần nữa loại trừ việc "thương lượng" về chủ quyền hoặc lãnh thổ.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời các quan chức NATO thạo tin cho hay, khi Ukraine chuẩn bị bước vào mùa đông thứ 3 của cuộc chiến với việc hạ tầng năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng và sự ủng hộ của phương Tây có dấu hiệu suy giảm, giới chức Ukraine dường như bắt đầu phát tín hiệu sẵn sàng cho cách tiếp cận linh hoạt hơn nhằm kết thúc xung đột.

Tất nhiên, không có quan chức Ukraine nào đề cập đến những nhượng bộ rõ ràng. Chính phủ Ukraine tuần trước phủ nhận việc Ngoại trưởng Andrii Sybiha thảo luận "những thỏa hiệp về lãnh thổ" trong các cuộc họp vào tháng trước tại Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy, áp lực từ các đồng minh đã gia tăng đòi hỏi Ukraine có một kế hoạch cụ thể hơn để cân nhắc xem cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi này có thể kết thúc như thế nào.

Do Kiev vẫn chưa tiết lộ đầy đủ chi tiết về kế hoạch chấm dứt xung đột, nên một quan chức phương Tây dự đoán Kiev có thể đang lợi dụng yếu tố mơ hồ về mặt chiến lược để tạo cho họ thêm không gian.

Sự bế tắc trên chiến trường, ngân sách căng thẳng ở phương Tây và trên hết là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 đã khiến các đồng minh xem xét kỹ hơn về việc kết thúc cuộc xung đột thông qua đàm phán.

Theo Bloomberg, yếu tố trọng tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai sẽ là tư cách thành viên NATO của Ukraine, một vấn đề đến nay vẫn gây chia rẽ các đồng minh của Ukraine.

Các quan chức cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực phải đưa ra lời mời rõ ràng cho phép Ukraine gia nhập NATO. Tuy rất ít khả năng chủ nhân Nhà Trắng sẽ làm như vậy, nhưng lời đề nghị được xem như một công cụ tiềm năng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.

Theo một quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận tại NATO, bất cứ điều gì không có tư cách thành viên đầy đủ sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Quan chức này nói thêm rằng các đảm bảo an ninh song phương mạnh mẽ, đặc biệt là với Mỹ, cũng sẽ được coi gần như kết nạp Ukraine vào NATO.

Nga coi tư cách thành viên của Ukraine tại NATO là điều không thể chấp nhận được, nên hiện không rõ loại công thức nào có thể khiến tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tại Mỹ, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris từ chối cho biết liệu bà có ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO nếu đắc cử hay không, nhưng khẳng định bất cứ cuộc đàm phán nào với Nga về chấm dứt xung đột Ukraine đều phải có sự tham gia của Kiev.

Trong khi đó, ứng viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ sớm kết thúc xung đột nếu trở lại Nhà Trắng, và không nhất thiết phải theo các điều kiện của Kiev. Các đồng minh châu Âu coi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump gây nguy hiểm cho viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong tương lai.

Đối với châu Âu, những hạn chế về tài chính cũng đang tạo thêm áp lực. Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã dành ít nguồn tài trợ hơn cho ngân sách năm tới, thay vào đó dựa vào một kế hoạch phức tạp nhằm huy động vốn cho vay từ tài sản ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng. Pháp đang vật lộn với thâm hụt ngày càng tăng của chính mình.

Ukraine và phương Tây chưa bình luận về việc liệu họ có thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến hiện nay hay không.

Trước đó, báo Financial Times của Anh dẫn nguồn thạo tin cho hay, Ukraine đang thảo luận về kịch bản nhượng một phần lãnh thổ cho Nga trong bối cảnh Ukraine thiếu hụt nhân lực, vũ khí cho một cuộc chiến kéo dài. Đổi lại, Kiev muốn nhận được các đảm bảo an ninh hoặc khả năng gia nhập NATO, Liên minh châu Âu.

Một số đồng minh phương Tây được cho là cũng đang "xem xét lại mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine" trong bối cảnh tình hình Trung Đông leo thang.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine