1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine hối thúc người dân lập tức rời "chảo lửa" Bakhmut

Minh Phương

(Dân trí) - Lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh khốc liệt ở Bakhmut. Moscow được cho là tìm cách kiểm soát thành phố chiến lược này trước thời điểm tròn một năm mở chiến dịch ở Ukraine.

Ukraine hối thúc người dân lập tức rời chảo lửa Bakhmut - 1

Binh sĩ Ukraine ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk ngày 17/2 kêu gọi người dân ở thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk lập tức sơ tán để đảm bảo an toàn trong bối cảnh chiến sự leo thang.

"Tôi kêu gọi người dân vẫn còn ở Bakhmut hãy sơ tán ngay lập tức", bà Irina Vereshchuk viết trên Telegram. Theo bà Irina, hiện còn khoảng 6.000 dân thường ở lại Bakhmut bất chấp các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội Nga và Ukraine hơn 7 tháng qua.

Một ngày trước đó, phía Ukraine cũng di chuyển hồ sơ, tài liệu khỏi các tòa nhà chính quyền ở Bakhmut.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Bakhmut chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đây là mặt trận khốc liệt, đẫm máu nhất ở Ukraine hiện nay. Bakhmut có ý nghĩa chiến lược đối với Nga. Nếu giành được thành phố này, họ có thể phá vỡ tuyến tiếp tế của Ukraine và mở ra hướng tiến công nhằm gây áp lực lên Kramatorsk và Sloviansk - các thành trì chủ chốt của Ukraine ở Donetsk, từ đó kiểm soát hoàn toàn Donetsk.

Quân đội Nga đầu tuần này tuyên bố đã cắt đứt 3 trong số 4 tuyến đường mà các đơn vị của Ukraine dùng để tiếp viện cho Bakhmut.

Ukraine thừa nhận tình hình ở Bakhmut rất khó khăn nhưng khẳng định vẫn giữ vững các phòng tuyến và gây tổn thất lớn cho phía Nga khi tìm cách bao vây thành trì này.

Theo giới quan sát, Kiev đang phải đối mặt giữa hai lựa chọn khó khăn, hoặc cố thủ ở Bakhmut để giữ chân lực lượng Nga trước khi phương Tây viện trợ thêm vũ khí, hoặc rút quân khỏi đây để tránh bị bao vây.

Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không từ bỏ Bakhmut. Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 16/2, ông nhấn mạnh: "Giữ ổn định tình hình ở tiền tuyến, chuẩn bị cho các bước leo thang của đối phương, đó là ưu tiên hàng đầu của quân đội trong tương lai gần". Giới chức Mỹ trước đó cũng khuyến cáo Ukraine hoãn kế hoạch phản công cho đến khi nhận được những lô viện trợ mới nhất của phương Tây.

Vấn đề tăng cường viện trợ cho Ukraine dự kiến sẽ được thảo luận khi lãnh đạo phương Tây dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức vào cuối tuần này. Trong số các lãnh đạo tham gia có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Ukraine kêu gọi phương Tây đẩy nhanh tiến độ viện trợ quân sự khi Nga được cho là đã bắt đầu chiến dịch tấn công mùa xuân.

Serhiy Haidai, người đứng đầu chính quyền Lugansk, miền Đông Ukraine, cho biết tần suất các cuộc tấn công của Nga đang tăng đáng kể dọc các tiền tuyến. "Hôm nay tình hình khó khăn ở mọi hướng do tần suất tấn công của Nga tăng lên đáng kể, các vụ pháo kích cũng tăng mạnh, thậm chí có cả sự tham gia của không quân. Họ liên tục tìm cách chọc thủng phòng tuyến của chúng ta", ông Haidai nói.

Theo Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine