Ukraine được cấp F-16, Nga cảnh báo hậu quả thảm khốc
(Dân trí) - Quan chức Nga cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu các nước NATO cho phép Ukraine sử dụng căn cứ không quân để xuất kích máy bay chiến đấu F-16.
"Trong những nỗ lực tuyệt vọng nhằm trì hoãn sự thất bại hoàn toàn của lực lượng vũ trang Ukraine, NATO đã ấp ủ ý tưởng chính thức chuyển giao các máy bay chiến đấu chiến thuật F-16 cho chính quyền Kiev, nhưng thực chất lại đặt chúng tại các sân bay của các quốc gia thành viên NATO giáp biên giới Ukraine để họ thực hiện các cuộc xuất kích chiến đấu từ những địa điểm đó", Alexander Volgaryov, phó đặc phái viên của Nga tại OSCE, cho biết hôm 14/12.
"Các nước thành viên châu Âu của NATO bây giờ nên bắt đầu suy nghĩ về những hậu quả thảm khốc đối với an ninh toàn châu Âu có thể xảy ra do những động thái thiếu cân nhắc trong việc sử dụng máy bay chiến thuật chiến đấu", ông Volgaryov cảnh báo.
Theo nhà ngoại giao Nga, nếu những máy bay chiến đấu này cất cánh từ lãnh thổ của các nước thành viên NATO và được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine, Moscow sẽ coi đây là một bước đi cố tình hướng tới việc leo thang và "tham gia trực tiếp trên thực tế vào cuộc đối đầu vũ trang".
Trước đó Konstantin Gavrilov, người đứng đầu phái đoàn Nga tại Vienna về kiểm soát vũ khí và an ninh quân sự, cũng cảnh báo Moscow sẽ đáp trả nếu Ukraine sử dụng các căn cứ không quân của NATO để xuất kích các máy bay chiến đấu nhằm chống lại Nga.
"Chúng tôi kiên quyết cảnh cáo rằng Moscow coi việc sử dụng các máy bay chiến đấu này từ lãnh thổ các quốc gia thành viên NATO đồng nghĩa với các nước đó đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và buộc Nga phải đáp trả", ông Gavrilov nói.
Ông Gavrilov cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang tạo ra mối đe dọa an ninh ở vùng biên giới phía tây của Nga.
Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16 trong vài năm tới, như một phần trong chương trình chuyển đổi sang các máy bay quân sự hiện đại hơn của họ. Trong đó, Hà Lan có kế hoạch gửi lô máy bay chiến đấu đầu tiên tới Kiev vào năm 2024.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 30/10 tuyên bố, những chiếc F-16 đầu tiên được chính phủ của ông cung cấp sẽ đến một căn cứ quân sự ở Romania, nơi tiến hành huấn luyện cho lực lượng Ukraine trong vòng hai tuần.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cấp cho Ukraine có thể bị bắn hạ trong chưa đầy 3 tuần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng cảnh báo Ukraine có nguy cơ kéo NATO vào xung đột nếu triển khai tiêm kích ở lãnh thổ các nước thành viên liên minh lân cận.
Ukraine từ lâu đã kêu gọi phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Mỹ đã bật đèn xanh cho các đồng minh cung cấp loại máy bay này cho Ukraine và lập liên minh hỗ trợ huấn luyện vận hành cho phi công Ukraine.
F-16 nếu được trang bị vũ khí không đối không có thể sẽ mang lại ưu thế trên không cho không quân Ukraine và tạo ra mối đe dọa đối với không quân Nga, từ đó xoay chuyển cục diện chiến trường.
Tuy nhiên, truyền thông Nga nói rằng, quân đội nước này sở hữu vũ khí có thể đánh bại F-16. Theo RIA Novosti, F-16 có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa tầm xa 40N6, được phóng từ hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.