1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tung tên lửa "sát thủ", sẵn sàng bắn hạ F-16 phương Tây cấp cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga có thể sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây dự định cấp cho Ukraine.

Nga tung tên lửa sát thủ, sẵn sàng bắn hạ F-16 phương Tây cấp cho Ukraine - 1

Một tiêm kích F-16 (Ảnh: AP).

Tính đến nay, hai nước phương Tây là Hà Lan và Đan Mạch đã đồng ý chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Cụ thể, Hà Lan có kế hoạch gửi lô máy bay chiến đấu đầu tiên tới Kiev vào năm 2024.

Kế hoạch của phương Tây cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 có thể bị cản trở bởi tên lửa tầm xa tiên tiến lớp 40N6 của hệ thống tên lửa phòng không S-400. Một nguồn tin đáng tin cậy nói với Sputnik rằng những tên lửa này đã chứng tỏ được hiệu quả trong chiến dịch đặc biệt của Moscow.

"Hệ thống phòng không S-400 sử dụng tên lửa phòng không dẫn đường tầm siêu xa 40N6, loại tiên tiến nhất trong số các vũ khí thuộc lớp này trên thế giới và được trang bị đầu dẫn đường hướng với những khả năng độc đáo. Nhờ tên lửa này, S-400, kết hợp với máy bay phát hiện radar tầm xa A-50U, có thể tấn công các mục tiêu, bao gồm các mục tiêu di chuyển với tốc độ cao ở tầm thấp", nguồn tin cho biết.

Nguồn tin cho biết thêm, S-400 có thể tấn công máy bay F-16 bằng tên lửa 40N6 ngay sau khi chúng cất cánh và đạt được độ cao nếu được triển khai tại các sân bay tiền phương.

 "Những tên lửa này dự kiến sẽ trở thành một trong những phương tiện chính cùng với máy bay chiến đấu để tiêu diệt F-16", nguồn tin nhấn mạnh.

Nga tung tên lửa sát thủ, sẵn sàng bắn hạ F-16 phương Tây cấp cho Ukraine - 2

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Sputnik).

Sputnik cho biết, tổ hợp S-400 của Nga trong thời gian qua đã gây chú ý cho giới quan sát khi bắt đầu sử dụng tên lửa đánh chặn tầm xa mới 40N6.

Dòng tên lửa dẫn đường này đã được các tổ hợp S-400 sử dụng để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tối đa, sử dụng dữ liệu từ máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga đóng vai trò như "mắt thần" trên không.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng quỹ đạo của 40N6 có thể bay lên đến mức rất cao trước khi lao xuống mục tiêu dự định. Điều này giúp cho tên lửa có khả năng tấn công vượt trội và có thể đánh chặn được mục tiêu ở tầm thấp.

40N6 là tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, được thiết kế cho hệ thống phòng không S-400 và S-500, có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly lên tới 380km ở cả tầm cao và tầm thấp.

Hệ thống dẫn đường trên tên lửa cho phép tên lửa 40N6 có thể đánh chặn các mục tiêu nằm ngoài tầm hoạt động của trạm radar trên tổ hợp phòng không.

Trước khi 40N6 xuất hiện, các tên lửa phòng không của Nga dùng trên S-400 thường không đánh chặn được mục tiêu vượt quá 150km. Trong khi đó, dòng tên lửa mới cho phép S-400 và S-500 mở rộng khả năng đánh chặn gấp đôi.

Với tầm đánh chặn lên tới hơn 300km, những vụ đánh chặn từ lá chắn của Nga sẽ đảm bảo được yếu tố bất ngờ, khiến đối phương không thể lường trước. Ví dụ, 40N6 có thể chặn được tiêm kích của đối phương ngay trước khi các máy bay này di chuyển tới vị trí để làm nhiệm vụ tấn công.

Ngoài ra, 40N6 khóa mục tiêu với hầu hết các vũ khí trên không, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, tên lửa hành trình, hệ thống radar tầm xa trên không.

Defense Express đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đang lên kế hoạch mua hơn 1.000 tên lửa đất đối không 40N6 trong thời gian tới. 

Theo chuyên gia, nếu 40N6 được đưa vào sản xuất hàng loạt, nó sẽ gây ra thách thức lớn cho các máy bay chiến thuật của Ukraine, đồng thời khiến Nga gia tăng khả năng kiểm soát không phận. 

Kể từ khi bắt đầu xung đột với Moscow, Kiev đã hối thúc các đồng minh cung cấp vũ khí ngày càng tiên tiến, trong đó có các máy bay chiến đấu F-16. Các phi công Ukraine đang được huấn luyện để lái F-16.

Các nước ủng hộ Ukraine cho rằng vũ khí do phương Tây cung cấp sẽ trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga hồi tháng trước tuyên bố toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cấp cho Ukraine có thể bị bắn hạ trong chưa đầy 3 tuần.

Theo Sputnik