1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine dùng chiến thuật mới làm gián đoạn "huyết mạch" của quân đội Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine dùng UAV thả những chông sắt 4 cạnh xuống các tuyến đường vận tải nhằm ngăn chặn Nga tiếp tế hậu cần cho quân đội.

Ukraine dùng chiến thuật mới làm gián đoạn huyết mạch của quân đội Nga - 1

Cận cảnh một chiếc chông sắt 4 cạnh của Ukraine (Ảnh: Forbes).

Forbes đưa tin, Nga đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới đằng sau chiến tuyến: Những chông sắt 4 cạnh có thể gây nổ lốp xe do UAV thả xuống các tuyến đường.

Về mặt bản chất, chông sắt 4 cạnh là loại vũ khí đã được sử dụng từ lâu trong các cuộc chiến. Ukraine giờ đây đang sử dụng chúng nhằm khiến các đoàn xe chở hàng tiếp tế của Nga bị nổ lốp.

Trong thời gian, những chiếc xe này dừng lại, Ukraine sẽ điều khiển UAV tự sát tấn công hoặc ném thuốc nổ xuống để phá hủy.

Hậu cần là một phần quan trọng hàng đầu, là "huyết mạch" trong mọi cuộc giao tranh. Trong các cuộc giao tranh, các bên đều rất cần được cung cấp lượng lớn quân tư trang, vũ khí, đạn dược, lương thực để duy trì chiến sự.

Trước đó, UAV Ukraine thường tấn công các phương tiện hậu cần của Nga đang vận chuyển vật tư cho quân đội tiền tuyến. Cách duy nhất để Nga mang đạn dược, thực phẩm và các vật tư khác qua khu vực nguy hiểm là chất chúng lên xe tải UAZ-452 Bukhanka ("Loaf") và lao đi với tốc độ tối đa.

Theo Forbes, với sự xuất hiện của chông sắt 4 cạnh, cái tài xế Nga điều khiển xe tải sẽ phải vừa nhìn lên trên và vừa nhìn xuống đất vì mối đe dọa tiềm tàng.

Chông sắt mà Ukraine sử dụng là loại vũ khí có 4 cạnh sắc nhọn, để khi ném nó xuống đất, sẽ luôn có một cạnh đâm lên trên. Chông sắt 4 cạnh đã được sử dụng ít nhất là vào năm 313 trước Công nguyên khi quân đội của Vương quốc Macedonia cổ đại sử dụng chúng để chống lại kỵ binh Ba Tư. Khi chúng mắc vào móng ngựa, sẽ rất khó để rút những chông sắt này ra.

Vũ khí này đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột sau đó. Tới thế kỷ 20, chông sắt vẫn được tận dụng, nhưng nhằm tới các xe tải quân sự. Trong Thế chiến II, lực lượng các quốc gia châu Âu thường dùng chông sắt ném xuống các con đường để chặn đoàn xe của phát xít Đức. Sau khi các xe gặp sự cố, họ sẽ lao ra từ vị trí phục kích sẵn để tấn công.

Giờ đây, tại cuộc chiến Ukraine, sự xuất hiện của UAV đã mang tới cho Kiev chiến thuật mới. Họ dùng UAV để thả chông sắt xuống các tuyến đường, rồi chờ xe tải Nga đi qua. Khi cán phải chướng ngại vật, các xe này có thể bị nổ lốp và dừng lại. Lúc này, UAV tự sát của Ukraine sẽ có thời gian để tấn công thẳng xuống đoàn xe đối thủ.

Nga thường thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần vào ban đêm để tránh mối đe dọa từ UAV của Ukraine. Tuy nhiên, việc lái xe vào buổi tối với tốc độ cao khiến các tài xế xe tải đối mặt với nguy cơ lớn là cán vào chông sắt. Khi đang đi nhanh, xe tải bị nổ lốp có thể dẫn tới bị mất kiểm soát và lật.

Trước đó, Ukraine từng dùng UAV thả mìn chống tăng xuống các tuyến đường. Nhưng những quả mìn này khá nặng, khó kiểm soát và có thể không phát nổ. Chông sắt là vũ khí đơn giản, rẻ tiền nhưng rủi ro bị trục trặc rất thấp.

Trên tiền tuyến, xe tải được xem là mục tiêu khó phá hủy hơn xe tăng. Xe tăng ra trận thường chất nhiều đạn bên trong. Một chiếc UAV đánh đúng vào nơi chứa đạn có thể làm chiếc xe nổ tung.

Tuy nhiên, để đánh trúng xe tải với tốc độ di chuyển nhanh là một nhiệm vụ không dễ. Chông sắt giống như vũ khí để Ukraine "câu giờ", đảm bảo đòn tấn công mang lại hiệu quả phá hủy lớn nhất.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine