1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đăng video "bắn cháy soái hạm Nga" năm 2022

Thành Đạt

(Dân trí) - Một nhà báo đã công bố video ghi lại vụ tấn công của tên lửa Ukraine nhằm vào soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga hồi tháng 4/2022.

"Video lịch sử về chiến thắng hải quân vĩ đại nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà chúng tôi nhận được từ các nguồn thân cận với Cục thiết kế Luch. Cách đây đúng một năm, vào ngày 13/4/2022, lúc 14h10, kíp vận hành hệ thống tên lửa chống hạm RK-360 Neptune của lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng hai tên lửa vào tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga", nhà báo Yurii Butusov viết trên Facebook hôm 13/4.

Ukraine đăng video "phá hủy soái hạm Nga" năm 2022

Phía Nga hiện chưa lên tiếng về thông tin trên.

Vào ngày 13/4/2022, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen Nga bốc cháy ngoài khơi cách thành phố cảng Odessa của Ukraine khoảng 90km. Moscow tuyên bố vụ cháy xảy ra do nổ kho đạn trên boong khiến con tàu hư hại nặng và tàu bị đắm khi được lai dắt về cảng. Tuy nhiên, phía Ukraine khẳng định đã bắn cháy con tàu bằng hai tên lửa hành trình Neptune.

Moskva là tàu chiến lớp Slava thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen và là một trong những tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga. Con tàu được hạ thủy năm 1979, được trang bị ít nhất 16 tên lửa đối hạm và nhiều tên lửa phòng không, ngư lôi, hệ thống pháo hạm tiên tiến. Thông thường, thủy thủ đoàn của Moskva gồm khoảng 500 người.

Ukraine đăng video bắn cháy soái hạm Nga năm 2022 - 1

Hình ảnh được cho là soái hạm Moskva của Nga bốc cháy ngoài khơi Ukraine hôm 13/4/2022 (Ảnh: Twitter).

Neptune là tên lửa phòng thủ bờ biển được thiết kế để tấn công tàu chiến của đối phương với tầm bắn lên tới 306km. Mỗi tên lửa Neptune mang đầu đạn nặng khoảng 150kg và có tổng khối lượng khoảng 860kg. Neptune có khả năng tiêu diệt các mục tiêu có trọng tải lên tới 5.000 tấn.

Dự án phát triển tên lửa Neptune được khởi động từ năm 2014 sau khi Ukraine mất gần 80% số tàu hải quân trong sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Neptune được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tên lửa hành trình do Nga chế tạo có tên là Kh-35.

Hạm đội Biển Đen chịu tổn thất đáng kể sau những sự cố khiến các tàu chiến của hạm đội này bị mất khả năng chiến đấu. Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá sức chiến đấu của Hạm đội Biển Đen của quân đội Nga không bị ảnh hưởng nhiều, kể cả sau các sự cố.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, thành phần Hạm đội Biển Đen hiện vẫn còn nhiều chiến hạm, bao gồm tàu ngầm, sau các vụ tấn công của Ukraine. Những chiến hạm còn lại này vẫn có khả năng giúp hải quân Nga bao quát hoạt động tại Biển Đen và thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên đất liền tại Ukraine.

Nga sử dụng đạn cháy tấn công mục tiêu của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/4 đã chia sẻ đoạn video cho thấy lực lượng vũ trang nước này tấn công các vị trí khai hỏa của quân đội Ukraine bằng đạn cháy thermite. Đoạn video được quay từ một máy bay không người lái (UAV) cho thấy lực lượng Nga đã sử dụng loại đạn này tấn công mục tiêu của Ukraine ở Donetsk.

Theo Pravda, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine