1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine cảnh báo thảm kịch tồi tệ nhất thế kỷ ở "chảo lửa" Mariupol

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Ukraine mô tả tình hình ở thành phố Mariupol là "thảm họa nhân đạo lớn nhất" kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự cách đây 2 tháng.

Ukraine cảnh báo thảm kịch tồi tệ nhất thế kỷ ở chảo lửa Mariupol - 1

Người dân sơ tán khỏi khu vực đổ nát ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo ở Washington, Mỹ hôm 22/4, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết tình hình ở Mariupol là "thảm họa nhân đạo lớn nhất" kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, và có lẽ là "thảm kịch tồi tệ nhất trong thế kỷ này" khi thành phố Đông Nam Ukraine hứng chịu những trận oanh tạc liên tiếp.

Ông Shmyhal cho biết hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Mariupol. Thủ tướng Ukraine nói rằng, các cuộc giao tranh đã "phá hủy hoàn toàn mọi thứ", bao gồm nơi trú ẩn của dân thường tại Mariupol. Ông cũng kêu gọi đại sứ từ tất cả các nước, bao gồm Mỹ, quay trở lại đại sứ quán của họ ở thủ đô Kiev.

Theo giới chức Ukraine, ước tính có khoảng 100.000 người vẫn đang bị mắc kẹt ở Mariupol kể từ khi thành phố này bị lực lượng Nga bao vây hôm 1/3. Các quan chức Ukraine thông báo hơn 20.000 người tại Mariupol đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Ukraine cảnh báo thảm kịch tồi tệ nhất thế kỷ ở chảo lửa Mariupol - 2

Phương tiện bị thiêu rụi ở Mariupol (Ảnh: Getty).

Thủ tướng Shmyhal cho biết, nhiều dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, vẫn đang ẩn náu bên trong nhà máy gang thép Azovstal. Ông nói rằng quân đội Nga vẫn đang bao vây khu vực này và Ukraine đang trao đổi với phía Nga để đàm phán về hành lang sơ tán.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua, Thủ tướng Shmyhal cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong việc đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Ông Shmyhal cho biết Ukraine muốn nhận được sự hỗ trợ về vũ khí, đạn dược từ Mỹ, đồng thời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Tổng thống Joe Biden hôm 21/4 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, khi cuộc xung đột bước vào giai đoạn mà ông Biden cho là "quan trọng". Gói viện trợ quân sự được công bố tuần trước của Mỹ cho Ukraine cũng có giá trị tương tự, bao gồm nhiều loại vũ khí hạng nặng.

Nga hôm 21/4 tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát thành phố Mariupol, nhưng vẫn còn khoảng 2.000 quân nhân Ukraine cố thủ bên trong nhà máy Azovstal. Nhà máy Azovstal được coi là "thành trì cuối cùng" của lực lượng quân sự Ukraine tại thành phố cảng chiến lược Mariupol. Đây được coi là "pháo đài" chiến sự do có các tòa nhà và hệ thống hầm ngầm được xây dựng kiên cố.

Ukraine cảnh báo thảm kịch tồi tệ nhất thế kỷ ở chảo lửa Mariupol - 3

Bản đồ khu vực thành phố Mariupol, Ukraine (Ảnh: AFP).

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow sẵn sàng tuyên bố ngừng bắn bất cứ lúc nào để sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal. Theo số liệu của phía Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, 1.844 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng ở Mariupol, và hơn 143.000 dân thường, bao gồm 341 người nước ngoài, đã được sơ tán khỏi thành phố.

Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 22/4 tuyên bố lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ bắt đầu có hiệu lực ở Mariupol khi lực lượng Ukraine giương cờ trắng, sẵn sàng đầu hàng. Trước đó, giới chức Ukraine tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng ở Mariupol.

Mariupol có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả Nga và Ukraine. Nếu kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng này, Nga có thể thiết lập một hành lang giữa Nga, khu vực Donbass và bán đảo Crimea, cũng như kiểm soát hoàn toàn Biển Azov. 

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine