1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỷ phú Trung Quốc chật vật vì "đặt cược" vào vaccine nước ngoài

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sớm tiếp cận để hợp tác với Pfizer/BioNTech và phải bỏ ra 141 triệu USD nhưng tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang đang rơi vào thế khó vì vaccine này chưa được Bắc Kinh cấp phép.

Tỷ phú Trung Quốc chật vật vì đặt cược vào vaccine nước ngoài - 1

Trung Quốc tới nay đã thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân bằng vaccine nội địa (Ảnh: Reuters).

Khi Covid-19 bắt đầu lây lan ở Vũ Hán, Hồ Bắc năm ngoái, công ty dược Shanghai Fosun của tỷ phú Guo dường như đã đạt được lợi thế lớn khi bắt tay được với hãng dược Đức BioNTech - công ty sau đó đã hợp tác với hãng Pfizer của Mỹ để sản xuất ra một trong những vaccine Covid-19 thành công nhất thế giới.

Tuy nhiên, gần một năm sau đó, vaccine Pfizer/BioNTech vẫn chưa được cấp phép ở Trung Quốc đại lục và trong những tuần gần đây, Bắc Kinh lại đang mở đường cho vaccine nội địa sử dụng công nghệ mRNA tương tự Pfizer/BioNTech. Công ty dược Walvax của Trung Quốc đã được chính quyền "bật đèn xanh" để thử nghiệm vaccine mRNA do họ điều chế như là mũi tăng cường.

Những diễn biến trên đặt ra câu hỏi rằng, liệu bao giờ thì vaccine Pfizer/BioNTech sẽ được sử dụng để tiêm chủng ở đại lục, trong khi Shanghai Fosun đã được đối tác Đức cấp phép sản xuất chế phẩm này? Dù Trung Quốc là một thị trường tiềm năng với hơn 1 tỷ dân, nhưng câu hỏi trên dường như khó có lời giải khi Bắc Kinh giờ đây dường như có xu hướng muốn ưu tiên hàng nội địa, kể cả vaccine Covid-19.

Trước đó, hơn 1 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm chủng bằng các vaccine nội địa theo công nghệ bất hoạt truyền thống của các công ty Sinovac và Sinopharm.

Ưu tiên vaccine nội?

Giờ đây, rất khó để kết luận được liệu bao giờ vaccine của Pfizer/BioNTech mới được cấp phép ở đại lục vì tới nay giới chức Trung Quốc vẫn chưa công khai lý do vì sao họ chưa "gật đầu" với vaccine này.

Sự bấp bênh này được xem là đòn giáng vào tham vọng của ông Guo, 54 tuổi, người những năm qua đã coi y tế là một lĩnh vực kinh doanh chủ chốt trong tập đoàn Fosun International của ông. Giá cổ phiếu của Fosun Pharma giảm, trong khi tài sản của ông Guo cũng giảm xuống 3,5 tỷ USD từ mốc đỉnh 4,6 tỷ USD.

Trả lời Bloomberg, Fosun Pharma nói rằng, mối quan hệ hợp tác giữa họ và BioNTech "luôn được chính quyền ủng hộ". Quá trình thử nghiệm lâm sàng và cấp phép vẫn đang được thực hiện theo luật Trung Quốc.

Trong khi đó, vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới trong nhiều tháng qua. Pfizer - đơn vị được phép phân phối vaccine ngoài thị trường của Fosun gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Macao - đang thu về hàng tỷ USD lợi nhuận nhờ chế phẩm này.

Trong khi Fosun đã bán được vaccine ở Hong Kong, Đài Loan và Macao - những nơi được chính quyền "bật đèn xanh", thì tại đại lục, quá trình cấp phép vẫn đang diễn ra.

Để hợp tác với BioNTech, Fosun buộc phải trả 141 triệu USD cho hãng dược Đức trước năm 2020 như là một khoản thanh toán ban đầu để mua 100 triệu liều vaccine dự kiến phân phối cho Trung Quốc đại lục vào năm 2021. Fosun cũng đồng ý đầu tư 100 triệu USD trong một liên doanh với BioNTech để mở nhà máy sản xuất vaccine ở Trung Quốc. Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ được chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất từ BioNTech và dự kiến có năng suất 1 tỷ liều/năm. Tuy nhiên, liên doanh này vẫn chưa đi vào hoạt động và số vaccine mà Fosun đã phân phối hiện giờ chủ yếu tới từ các nhà máy của BioNTech ở Đức.

Theo Bloomberg, động thái trì hoãn của Trung Quốc đến trong bối cảnh Bắc Kinh đang dường như muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng gia tăng của các tỷ phú nước này, ví dụ như Jack Ma của tập đoàn Ant, hay Pony Ma của Tencent Holdings. Giới quan sát cho rằng, trong lĩnh vực dược phẩm, phía Trung Quốc dường như muốn ưu tiên phát triển vaccine nội địa nhằm chứng minh năng lực của mình, đồng thời thúc đẩy vaccine nội đi toàn thế giới để gia tăng ảnh hưởng về địa chính trị.

"Trung Quốc hiện chưa có vaccine mRNA nào. Nếu có, đó nên là một vaccine nội, nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc có khả năng làm được vaccine như vậy", chuyên gia Mia He thuộc Bloomberg Intelligence nhận định.