1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỷ phú Elon Musk đề xuất cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Theo tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk, để chấm dứt xung đột, Ukraine nên chấp nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đồng ý trung lập. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Kiev.

Tỷ phú Elon Musk đề xuất cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 1

Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk (Ảnh: Reuters).

Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla hôm 3/10 bất ngờ đề xuất một kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo ông, đầu tiên, Moscow cần tiến hành các cuộc bầu cử mới dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc ở 4 vùng lãnh thổ mới đây trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Trong thời gian bầu cử, Nga phải rút quân khỏi các lãnh thổ này.

Thứ hai, tỷ phú Musk cho rằng, Ukraine nên công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga như giai đoạn từ năm 1783 đến khi cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định tặng bán đảo cho Ukraine năm 1954. Ông Musk nói, quyết định khi đó của ông Khrushchev là "sai lầm".

Thứ ba, tỷ phú Mỹ gợi ý, Ukraine nên cam kết duy trì vị thế trung lập, điều mà Moscow đề nghị rất lâu trước khi mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hồi tháng 2.

Ngoài ra, theo ông, Kiev phải đảm bảo nguồn cung nước cho Crimea. Ukraine đã cắt nguồn cung nước đến Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014. Không lâu sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự, nguồn cung đã được khôi phục.

"Đây nhiều khả năng sẽ là kịch bản chấm dứt xung đột", tỷ phú Musk bình luận.

Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng của giới chức Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bình luận trên Twitter: "Những người gợi ý Ukraine từ bỏ người dân, từ bỏ lãnh thổ không nên sử dụng từ hòa bình".
Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết Kiev đã có "một kế hoạch hòa bình tốt hơn, trong đó gồm giải phóng các vùng lãnh thổ, kể cả Crimea.

Crimea sáp nhập vào Nga tháng 3/2014 gây tranh cãi. Kịch bản này dường như sắp lặp lại với 4 vùng ly khai của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 ký kết các hiệp ước sáp nhập 4 lãnh thổ trên của Ukraine vào Nga. Hiệp ước đã được Hạ viện Nga thông qua ngày 3/10.

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bị đình trệ kể từ cuối tháng 3. Kiev tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Moscow phải rút hết quân. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, Ukraine sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ. Cập nhật tình hình trên chiến trường, ông Zelensky cho biết, quân đội Ukraine tiếp tục đà tiến công, giành lại nhiều làng mạc, thị trấn ở các khu vực khác nhau, song không nêu chi tiết.

Trong khi tiếp tục phản công, Ukraine cuối tháng trước cũng chính thức nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO. Theo nguyên tắc, việc kết nạp một thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên NATO hiện tại. Tuy vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng như đại diện của Mỹ nhấn mạnh, hiện chưa phải thời điểm thích hợp để kết nạp Kiev. Với Nga, việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO nói riêng và việc liên minh quân sự này tiếp tục mở rộng về phía đông là mối đe dọa lớn đối với an ninh.

Theo RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine