1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO nêu cách tốt nhất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine, đồng thời tuyên bố tiếp tục ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

NATO nêu cách tốt nhất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP).

"Câu trả lời của NATO là tăng cường hỗ trợ. Cách tốt nhất để kết thúc cuộc chiến này là tăng cường hơn nữa sức mạnh của Ukraine trên chiến trường để đến một thời điểm nào đó, họ có thể ngồi xuống và đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được đối với Ukraine và đảm bảo Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 23/9.

Ông Stoltenberg chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 khu vực ở Ukraine nhằm sáp nhập vào Nga, gọi đây là các cuộc trưng cầu dân ý "giả". Các cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới ở hai nước cộng hòa tự xưng thuộc vùng Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, cùng 2 tỉnh Kherson và Zaporozhye ở miền Nam Ukraine.

Tổng thư ký NATO cho rằng Nga sẽ sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý "giả" để leo thang xung đột, đồng thời khẳng định các cuộc trưng cầu dân ý này sẽ "không có tính hợp pháp và tất nhiên không thay đổi bất cứ điều gì".

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 22/9 nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa hành động đủ để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tập trung kết nối ngoại giao với cả Moscow và Kiev để chấm dứt xung đột.

"Thổ Nhĩ Kỳ luôn tin tưởng vào sức mạnh của đối thoại và ngoại giao", ông Erdogan nói, đề cập những nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giúp Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận ngũ cốc cũng như cuộc trao đổi tù nhân gần đây giữa hai bên.

"Liên Hợp Quốc không thể kết thúc chiến tranh, không thể ngăn chặn đổ máu và không thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực", ông Erdogan nói, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khác tham gia vào các nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cho biết ông sẽ điện đàm với cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, đồng thời tiếp tục "ngoại giao qua điện thoại".

Theo ông Erdogan, cần có "nỗ lực chung của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới" và "mọi người" nên đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, để "mở cánh cửa" cho ngoại giao. Bất kỳ "cách tiếp cận tiêu cực" nào đối với hai nhà lãnh đạo đều "không mang lại kết quả mà chúng ta mong đợi", thay vào đó chỉ mang lại nhiều chết chóc và tàn phá hơn, ông Erdogan cảnh báo.

Kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh ở châu Âu và các nước khác đã hỗ trợ Kiev thông qua viện trợ tài chính và quân sự. Moscow đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev sẽ càng khiến xung đột kéo dài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thuộc số ít các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn giữ liên lạc với Tổng thống Putin kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, mặc dù những nỗ lực của họ cho đến nay không mang lại bất kỳ đột phá ngoại giao nào.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine