1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trưởng đoàn chuyên gia của WHO nêu giả thuyết mới về "bệnh nhân số 0"

Minh Phương

(Dân trí) - Peter Ben Embarek, trưởng đoàn chuyên gia do WHO dẫn đầu đến Vũ Hán điều tra, không loại trừ khả năng nhân viên của phòng thí nghiệm Vũ Hán nhiễm virus SARS-CoV-2 từ dơi khi lấy mẫu từ thực địa.

Trưởng đoàn chuyên gia của WHO nêu giả thuyết mới về bệnh nhân số 0 - 1

Peter Ben Embarek, trưởng đoàn chuyên gia do WHO dẫn đầu đến Vũ Hán điều tra (Ảnh: AFP).

"Bệnh nhân số 0" có thể là nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán?

Giữa lúc còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc Covid-19, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TV 2 của Đan Mạch gần đây, ông Peter Ben Embarek, trưởng đoàn chuyên gia do WHO dẫn đầu từng đến Vũ Hán điều tra, nói rằng bệnh nhân số 0 có thể là nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.

"Một nhân viên bị nhiễm bệnh ngoài thực địa trong quá trình lấy mẫu trong hang dơi. Đó là nơi virus có thể nhảy trực tiếp từ dơi sang người", ông Embarek nói, mặc dù thừa nhận rằng đến nay các nhà điều tra WHO chưa tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào về giả thuyết này. Do đó, ông kêu gọi các nhà điều tra nên thu thập thêm thông tin về phòng thí nghiệm liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán.

Bình luận mới nhất của ông Embarek cho thấy một sự thay đổi quan điểm đáng kể về giả thuyết nguồn gốc Covid-19. Trước đó, ông từng kêu gọi các nhà khoa học ngừng điều tra giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Ban đầu ông cũng nói rằng không có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan ở Vũ Hán hay ở nơi nào khác trước tháng 12/2019. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, ông rút lại bình luận và cho biết nhóm điều tra đã phát hiện có ít nhất 13 biến chủng SARS-CoV-2 ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, điều này có nghĩa là virus đã xuất hiện và lây lan từ trước đó. Ông cũng cho biết, có thể 1.000 người ở Vũ Hán đã nhiễm virus vào đầu tháng 12/2019, một con số ước tính dựa trên dữ liệu của Trung Quốc về 174 ca bệnh nặng.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, trong đó thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã công bố các ca bệnh đầu tiên hồi tháng 12/2019. Đến nay, nguồn gốc đại dịch vẫn là một bí ẩn và gây nhiều tranh cãi. Đầu năm nay, một nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán điều tra và đưa ra 4 giả thuyết chính, trong đó giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được cho là "rất khó xảy ra".

Những tranh cãi về nguồn gốc Covid-19 nóng trở lại hồi tháng 3 năm nay sau khi Thời báo Phố Wall dẫn một báo cáo của giới tình báo Mỹ cho biết, 3 nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện với triệu chứng giống như Covid-19 hồi tháng 11/2019, vài tuần trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 đã yêu cầu các cơ quan tình báo nước này nỗ lực gấp đôi để đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn về nguồn gốc Covid-19 trong vòng 90 ngày. CNN dẫn nguồn thạo tin ngày 11/8 cho biết, gần tới hạn chót 90 ngày, giới tình báo Mỹ vẫn đưa ra hai giả thuyết chính đại dịch, gồm giả thuyết virus có nguồn gốc tự nhiên lây sang người thông qua động vật nhiễm bệnh và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.

WHO hối thúc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu

Trưởng đoàn chuyên gia của WHO nêu giả thuyết mới về bệnh nhân số 0 - 2

Trung Quốc bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

WHO ngày 12/8 đã ra một thông cáo nói về các bước tiếp theo trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.

"Sau khi công bố báo cáo điều tra giai đoạn một nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 3, WHO đã vạch ra các bước điều tra tiếp theo trên cơ sở tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên và giới chuyên gia", thông cáo của WHO cho biết. Thông cáo nhấn mạnh, việc điều tra nguồn gốc có ý nghĩa "vô cùng quan trọng".

"Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm điều tra thêm dữ liệu thô về các ca bệnh sớm nhất và các mẫu huyết thanh của các ca bệnh từ năm 2019. Việc tiếp cận dữ liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng để thúc đẩy các hiểu biết về khoa học của chúng ta", thông cáo cho biết.

WHO kêu gọi các nước không chính trị hóa vấn đề nguồn gốc Covid-19, thay vào đó, cần hợp tác với WHO và giữa các nước với nhau trong cuộc điều tra.

WHO hối thúc các nước, trong đó trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, chia sẻ toàn bộ dữ liệu thô và cho phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm. "Chia sẻ dữ liệu thô, cho phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm sẽ phản ánh sự hợp tác khoa học ở mức tốt nhất và không khác với những gì mà chúng tôi đã khuyến khích tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể xúc tiến các nghiên cứu nguồn gốc đại dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả", thông cáo nhấn mạnh.

WHO cho biết, chuyên gia của tổ chức này đang phối hợp với một số quốc gia phát hiện SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm năm 2019 để điều tra nguồn gốc Covid-19. Ví dụ, ở Italia, WHO đã thúc đẩy việc các phòng thí nghiệm quốc tế đánh giá lại độc lập các mẫu máu trước khi đại dịch xảy ra.

Lãnh đạo WHO đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thêm dữ liệu thô về các ca bệnh đầu tiên để thúc đẩy điều tra nguồn gốc đại dịch. "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ ủng hộ giai đoạn tiếp theo của quy trình khoa học này bằng việc chia sẻ toàn bộ dữ liệu liên quan trên tinh thần minh bạch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tháng trước kêu gọi.

Tuy vậy, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này che giấu thông tin, đồng thời bác bỏ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trung Quốc phản đối điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn hai ở nước này, mặt khác, đề nghị mở rộng điều tra sang các nước khác, trong đó có phòng thí nghiệm ở Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm