1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc vật lộn với 2 "phép thử" dồn dập ở Biển Đông

(Dân trí) - Bắc Kinh cùng lúc phải đối mặt với thách thức kép trong các tuyên bố lãnh thổ phi lý ở Biển Đông, sau khi Mỹ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo và tòa án quốc tế tuyên bố sẽ xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.


Bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo (Ảnh: CSIS/AMTI)

Bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo (Ảnh: CSIS/AMTI)

Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) tại La Hay, Hà Lan hôm thứ Năm khẳng định có quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền quá đáng ở Biển Đông. Vụ việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Hải quân Mỹ điều một tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa để khẳng định tự do hàng hải.

Say khi chỉ trích cuộc tuần tra của Mỹ là một “hành động liều lĩnh”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/10 nói rằng phán quyết của PCA là “vô giá trị và không có tính bắt buộc đối với Trung Quốc”.

“Liên quan tới các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, các lợi ích và quyền lợi hàng hải, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào bị áp đặt hoặc bất kỳ cách thức đơn phương nào đối với cách giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ 3”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Bắc Kinh cũng nhắc lại lời khuyên từng đưa ra với Manila kể từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc vào năm 2013: hãy hủy vụ việc và duy trì quan hệ tốt với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Một số nhà phân tích cho rằng, các chiến lược của 2 đồng minh thân cận, Mỹ và Philippines, đang gây sức ép đối với Trung Quốc nhằm làm rõ các tuyên bố chủ quyền mơ hồ đối với hầu hết Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

“Mỹ và Philippines đang hành động hiệu quả giống như một đội”, tờ Tạp chí phố Wall dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, một học giả chuyên về an ninh khu vực tại Đại học De La Salle ở Manila. “Philippines đã vượt qua rào cản rất khó khăn bằng cách làm rõ vấn đề phân xử”.

Quyết định của tòa quốc tế tại La Hay là một đòn giáng vào Bắc Kinh. Giờ đây, tòa án sẽ nghe vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila cũng cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế thông qua các hành động tại vùng biển tranh chấp.

Nhưng ít người kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ, dù Philippines có thắng trong phiên tòa.

“Không có gì đảm bảo là Trung Quốc sẽ tuân thủ các kết quả không có lợi cho nước này”, William Choong, một chuyên gia an ninh châu Á tại Viện nghiên cứu nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, cho hay.

Các cuộc đối đầu mới nhất ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh một loạt các hoạt động ngoại giao sắp diễn ra tại châu Á, nơi vấn đề tranh chấp lãnh thổ chắc chắn sẽ được thảo luận. Cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên giữa Nhật-Trung-Hàn sẽ diễn ra vào cuối tuần này ở Seoul. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Hà Nội đầu tháng 11. Các lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC thường niên ở Manila, Philippines vào giữa tháng 11.

Chiến lược của Trung Quốc giờ đây sẽ là nhấn mạnh mục đích dân sự cho các đảo nhân tạo và giảm nhẹ các mục đích quân sự, ông William Choong nhận định, trong khi cố gắng làm chệch hướng sự chỉ trích của dư luận bằng cách “quyến rũ” các láng giềng khu vực với các sáng kiến như Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB).

Ông Choong dự đoán, thế bế tắc ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp diễn, khi Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra quan các đảo nhân tạo, còn Trung Quốc cũng sẽ điều tàu chiến và chỉ trích các hoạt động của Mỹ. “Mỹ và Trung Quốc đều có thể nói rằng họ đang giữ vững lập trường mà không bị mất mặt”, ông Choong nói.

Luật sư Mỹ Paul Reichler hiện là trưởng nhóm luật sư đại diện cho Philippines sau khi tham gia một loạt các vụ việc đại diện cho các quốc gia nhỏ hơn chống lại các quốc gia lớn hơn. Ông cũng nói rằng cái gọi là “đường 9 đoạn”, mà Bắc Kinh vạch ra để tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, không phù hợp với luật pháp quốc tế được ghi trong Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay, phán quyết của Tòa Thường trực “cho thấy các vấn đề phân xử như vậy trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế là một cách thức nhằm phần nào kiểm soát các tranh chấp lãnh thổ, dù không giải quyết được chúng”.

An Bình

Trung Quốc vật lộn với 2 "phép thử" dồn dập ở Biển Đông - 2