Trung Quốc tham vọng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030
(Dân trí) - Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch hoàn thành sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030, khẳng định quyết tâm của Bắc Kinh về tham vọng chinh phục vũ trụ này.
"Theo kế hoạch dự án chuyến bay thám hiểm Mặt Trăng có người lái, người Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên trước năm 2030", thông báo của Cơ quan Quản lý Chương trình Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA) nêu rõ.
Cũng theo thông báo, trong chuyến bay này, 2 phi hành gia sẽ điều khiển tàu thám hiểm Mặt Trăng có người lái để nghiên cứu khoa học. Cơ quan này khẳng định Trung Quốc đang triển khai nghiên cứu và phát triển những thiết bị thế hệ mới nhằm phục vụ tham vọng chinh phục Mặt Trăng.
Thông báo đã chính thức hóa mốc thời gian mà các nhà khoa học Trung Quốc đã đặt ra trước đó giữa lúc Bắc Kinh và Washington tăng cường cuộc đua trong không gian.
Hồi tháng 12/2022, chính phủ Trung Quốc xác định tầm nhìn đối với những khởi đầu nhiều tham vọng hơn như xây dựng cơ sở hạ tầng và lập hệ thống quản lý không gian vũ trụ.
Các nhà khoa học Trung Quốc trước đây nhất trí với mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng năm 2030 nhưng chưa có thông báo cấp cao chính thức. Nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc hồi tháng trước nói rằng, việc đưa người lên hành tinh này vào năm 2030 sẽ "không có vấn đề gì".
"Chúng ta có thể ôm lấy Mặt Trăng ở tầng mây thứ chín", ông Lin Xiqiang, phó giám đốc CMSA, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/5, trích dẫn một bài thơ của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ông Lin cho hay, dự án đổ bộ lên Mặt Trăng, một phần của Dự án Khám phá Mặt Trăng rộng lớn hơn của nước này, còn được gọi là "Dự án Hằng Nga" gần đây đã được khởi động, mặc dù ông không cung cấp thông tin chi tiết. Ông cho biết, mục tiêu của dự án còn có việc để con người có thể lưu trú ngắn hạn trên bề mặt Mặt Trăng, cũng như thu thập các mẫu và tiến hành nghiên cứu.
Thông báo hôm 29/5 được đưa ra tại một cuộc họp báo nhằm đánh dấu chuyến bay của 3 phi hành gia vào Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào ngày 30/5, trong đó lần đầu tiên có một phi hành gia dân sự. Đó là chuyên gia về tải trọng Gui Haichao, giáo sư tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh. Ông Gui sẽ chịu trách nhiệm cho hoạt động khoa học thí nghiệm tải trọng trong không gian.
Cho đến nay, tất cả phi hành gia của Trung Quốc được đưa vào vũ trụ đều thuộc biên chế quân đội. Chỉ huy nhiệm vụ không gian ngày 30/5 này là Jing Haipeng và thành viên phi hành đoàn thứ ba là Zhu Yangzhu.
Cuộc đua căng thẳng
Một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng có người lái sẽ là một cột mốc quan trọng đối với hoạt động thám hiểm không gian của Trung Quốc và thế giới. Không có con người nào đặt chân lên Mặt Trăng kể từ sau các sứ mệnh Apollo của Mỹ vào những năm 1960 và 1970.
Và động thái sắp tới có thể đánh dấu một thành tựu quan trọng đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh đang gia tăng với Mỹ trong lĩnh vực không gian.
NASA cũng đã công bố kế hoạch đưa nhiều người, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên, lên Mặt Trăng trong năm 2025. Nhưng chương trình Artemis của NASA đang bị trì trệ. Cả Bắc Kinh và Washington cũng đã đặt ra mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng và đưa người lên sao Hỏa.
Không gian đã trở thành một đấu trường căng thẳng khác giữa Mỹ - Trung, với dư âm của cuộc chạy đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, trong khi của Mỹ thường bị sa lầy bởi các ưu tiên mâu thuẫn và thay đổi chính quyền.
Người đứng đầu NASA Bill Nelson khi nhắc đến cuộc đua Mặt Trăng mà Trung Quốc đang tích cực tham gia đã cho rằng "Mỹ nên cảnh giác".