1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chạy đua với Mỹ, Trung Quốc tăng tốc lập trạm nghiên cứu trên Mặt trăng

Ninh Vân

(Dân trí) - Trung Quốc đang tăng tốc để thiết lập một cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng sớm hơn 8 năm so với dự kiến, động thái mới nhất trong cuộc chạy đua không gian ngày càng quyết liệt với Mỹ.

Chạy đua với Mỹ, Trung Quốc tăng tốc lập trạm nghiên cứu trên Mặt trăng - 1

Mô phỏng trạm nghiên cứu Mặt trăng của Trung Quốc (Nguồn: Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc).

SCMP đưa tin, giới chức Trung Quốc hồi đầu tuần này đã thông báo với giới truyền thông về mục tiêu thiết lập một trạm nghiên cứu trên Mặt trăng, hiện đang được hợp tác xây dựng với Nga, vào khoảng năm 2027, sớm hơn 8 năm so với kế hoạch trước đó.

Mục tiêu của tàu đổ bộ Hằng Nga 8 (Chang'e 8) ban đầu nhằm mục đích thực hiện các thí nghiệm khoa học như in 3D bụi Mặt trăng, dự kiến có thể diễn ra trong vài năm tới tiếp nối sau hai vụ phóng nữa.

Nhưng ông Wu Yanhua, Phó Giám đốc Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc, cho biết công việc mới của tàu Hằng Nga 8 là đặt một trạm nghiên cứu không người lái lên bề mặt của Mặt trăng. Trước đó kế hoạch được dự kiến triển khai vào năm 2035.

Ông Wu không nói chi tiết về lý do của sự thay đổi kế hoạch, nhưng nhấn mạnh rằng mục đích của sứ mệnh nhằm "xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc sử dụng hòa bình các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng".

Trong nhiều năm, chương trình nghiên cứu Mặt trăng của Trung Quốc đã có những tiến triển đều đặn và đi theo lộ trình riêng. Giới chức nước này liên tục nhấn mạnh rằng họ không quan tâm đến một cuộc chạy đua vũ trụ như trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, quan điểm này có thể đã thay đổi bởi các động thái gần đây từ phía Mỹ.

Theo ông Zhang Chongfeng, phó giám đốc thiết kế Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, giới chức nước này tin rằng chương trình Artemis  nhằm mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) - kế thừa của chương trình Apollo - sẽ có những động thái tương tự trên Mặt trăng.

Vào năm 1969, sứ mệnh Apollo 11 đã đưa con người đầu tiên lên Mặt trăng và chương trình Artemis đã có kế hoạch đưa các phi hành gia Mỹ trở lại đó vào năm 2024. Khác với Apollo, chương trình mới có mục đích để các phi hành gia ở lại Mặt trăng, cùng với đó là xây dựng một số cơ sở có quy mô lớn trên quỹ đạo và bề mặt của Mặt trăng.

Chính phủ Mỹ và NASA đã đề xuất Hiệp định Artemis để thiết lập các quy tắc cho các hoạt động trên Mặt trăng trong tương lai. Hiệp định này cho phép chính phủ hoặc các công ty tư nhân bảo vệ các cơ sở hoặc "di sản" của họ bằng cách thiết lập các khu vực an toàn trên Mặt trăng.. Tính đến tháng 10/2021, đã có 13 nước ký kết hiệp định này.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga phản đối hiệp định trên vì cho rằng nó đi ngược lại các hiệp ước quốc tế hiện có, bao gồm Thỏa thuận về Mặt trăng của Liên hợp quốc, trong đó quy định rằng Mặt trăng thuộc về toàn thể loài người, không phải của bất cứ một bên nào.

Chương trình Hằng Nga (Chang'e), được đặt theo tên của nữ thần Mặt Trăng của Trung Quốc, có kế hoạch "đánh bại" Artemis bằng cách khai thác điểm yếu của chương trình này.

Chương trình Artemis được đánh giá là phức tạp với chi phí ước tính lên tới 100 tỷ USD vào năm 2025, với mục tiêu xây dựng một cơ sở tương tự Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trên quỹ đạo của Mặt trăng. Tuy nhiên, đã có cảnh báo rằng lần hạ cánh đầu tiên có thể bị trì hoãn vài năm do các vấn đề về kỹ thuật và các thách thức khác.

Chương trình của Trung Quốc sẽ có cách tiếp cận đơn giản hơn. Trung Quốc sẽ đặt trực tiếp  một trạm nghiên cứu chạy bằng năng lượng hạt nhân trên mặt trăng. Cơ sở này sẽ cho phép các phi hành gia Trung Quốc ở trên Mặt trăng lâu như các phi hành gia Mỹ, nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.

Trung Quốc dự kiến cũng sẽ triển khai một trạm di động có thể tự do đi lại trên bề mặt Mặt trăng hơn 1.000 km, có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, có nghĩa là các phi hành gia không cần trực tiếp phải có mặt để vận hành.

Trong khi chương trình của Mỹ tập trung vào các hoạt động trên bề mặt, Trung Quốc sẽ chú trọng đến việc khám phá các hang động, với tiềm năng cung cấp một nơi trú ẩn tự nhiên cho việc xây dựng các "khu cư trú lâu dài".

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc đang đẩy mạnh các kế hoạch khám phá vũ trụ. Mặt Trăng đang được xem là một ưu tiên của các nước lớn, bởi hành tinh này có quá nhiều tiềm năng để khai thác.