1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc sẽ hành động thế nào trong ván cờ "nóng" Nga - Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga để hối thúc một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng các chuyên gia hoài nghi về việc này.

Trung Quốc sẽ hành động thế nào trong ván cờ nóng Nga - Ukraine? - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Getty).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/1 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giữa lúc cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đang leo thang. Bắc Kinh cho biết họ muốn tất cả các bên giữ bình tĩnh và "kiềm chế không có những hành động kích động căng thẳng và thổi phồng cuộc khủng hoảng".

Ông Blinken nhấn mạnh căng thẳng cần được hạ nhiệt, đồng thời cảnh báo về những rủi ro về an ninh và kinh tế từ bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington đã gửi thông điệp rất rõ ràng với Bắc Kinh.

"Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để hối thúc giải pháp ngoại giao, vì nếu xảy ra xung đột ở Ukraine, điều đó cũng sẽ không tốt cho Trung Quốc. Sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, cũng như trong lĩnh vực năng lượng", Thứ trưởng Nuland nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tăng cường lực lượng quân sự ở biên giới Ukraine trong nhiều tháng, dấu hiệu cho thấy Moscow có thể động binh với nước láng giềng. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng bác bỏ khả năng hành động quân sự với Ukraine, yêu cầu NATO rút quân và vũ khí khỏi Đông Âu và ngăn Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Căng thẳng Ukraine leo thang ngay trước thời điểm Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông vào tháng tới. Đây là sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế, được Trung Quốc chuẩn bị từ lâu và là dịp để Bắc Kinh thể hiện tầm ảnh hưởng của mình.

Reuters dẫn lời Daniel Russel, nhà ngoại giao cấp cao về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói rằng Trung Quốc sẽ không vui nếu xảy ra một cuộc xung đột tại Ukraine vào đêm trước Thế vận hội. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn chọn cách bảo vệ "những lo ngại an ninh chính đáng" của Nga, hơn là "cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Mỹ".

"Mỹ khó có thể khiến Trung Quốc ra mặt trong vấn đề Ukraine. Bắc Kinh sẽ không tán thành việc sử dụng vũ lực, nhưng họ đồng cảm với quan điểm của Nga về NATO", chuyên gia Bonnie Glaser tại Quỹ Marshall của Mỹ nhận định. Việc một liên minh quân sự như NATO "hồi sinh" và tạo thành mặt trận đối phó Trung Quốc cũng không phải là tin tốt với Bắc Kinh.

Theo bà Glaser, nếu Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, "Trung Quốc có thể sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt này".

Lựa chọn của Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc dường như ngầm phản đối sự mở rộng của NATO ở Đông Âu khi nói với người đồng cấp Mỹ rằng, an ninh của một quốc gia không thể đánh đổi bằng an ninh của các quốc gia khác và an ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường, thậm chí mở rộng các khối quân sự.

Mỹ đã hối thúc Ukraine và Nga quay trở lại một loạt hiệp ước nhằm chấm dứt cuộc xung đột ly khai ở miền đông Ukraine. Nhưng các bước được đề ra trong thỏa thuận Minsk vẫn chưa được thực hiện, khi Nga nhấn mạnh rằng họ không phải là một bên trong cuộc xung đột và do vậy không bị ràng buộc bởi các điều khoản của thỏa thuận.

Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng trong một loạt vấn đề từ thương mại đến nhân quyền, Đài Loan và các yêu sách hàng hải rộng lớn của Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc vào tuần tới để tham dự Thế vận hội Mùa đông. Trong khi đó Mỹ, Canada, Australia và Anh cho biết sẽ không cử bất kỳ quan chức chính phủ nào đến Thế vận hội ở Bắc Kinh vì phản đối vấn đề Tân Cương.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin về cuộc điện đàm cho biết, Ngoại trưởng Vương Nghị hối thúc Ukraine tuân theo thỏa thuận Minsk, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh gián tiếp phản đối việc mở rộng NATO. Ông Vương cũng chỉ trích Mỹ về một số vấn đề, cáo buộc Washington "can thiệp" vào công việc nội bộ của Trung Quốc, cố tình phá hoại Thế vận hội Mùa đông và yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.

Ông Vương Nghị thậm chí nói rằng, chính quyền Mỹ hiện tại không thay đổi chính sách về Trung Quốc so với chính quyền Tổng thống Donald Trump, cáo buộc Washington tiếp tục phá hoại mối quan hệ song phương thông qua thái độ thù địch. Cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Mỹ để "lôi kéo" Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine rốt cuộc lại trở thành dịp để nhà ngoại giao Trung Quốc phản bác Washington.

Cuộc điện đàm cho thấy Trung Quốc không nghiêng về phía Mỹ để chỉ trích Nga như kỳ vọng của Washington. Ngoại trưởng Blinken không đạt được mục tiêu nào trong cuộc điện đàm, đồng thời cho thấy Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với cả Nga và Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ mối quan hệ với Nga khi cả hai nước đều coi sự cạnh tranh với Mỹ là điểm chung.

Theo RT, chính quyền Biden dường như đang theo đuổi chiến lược nước đôi với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề khiến quan hệ song phương leo thang căng thẳng, mặt khác, khi có vấn đề địa chính trị nảy sinh, Washington lại có xu hướng kỳ vọng sự hỗ trợ và hợp tác của Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc không từ chối việc đối thoại với Mỹ, nhưng Bắc Kinh cũng không sẵn sàng nhượng bộ nếu lợi ích của họ không được đảm bảo.

Tuy vậy, Trung Quốc có thể không sẵn sàng đứng về phía Nga để đương đầu với khối NATO do Mỹ dẫn đầu. Nếu thấy Trung Quốc xích lại gần Nga, một số nước châu Âu trước đây từng miễn cưỡng trong việc cùng các đồng minh đối phó Trung Quốc, thì nay có thể sẽ kiên quyết hơn. Trong khi đó, giữa Nga và Trung Quốc vẫn có những nghi ngờ và lợi ích khác biệt, khiến Bắc Kinh phải tính toán kỹ lưỡng.

Theo www.reuters.com