1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc ngang ngược nói bị tàu Việt Nam “quấy rối”, đâm 171 lần

(Dân trí) - Trung Quốc đã ngang ngược nói tàu Việt Nam “quấy rối” giàn khoan mà Trung Quốc triển khai trái phép trong thềm lục địa Việt Nam và cho biết tàu Việt Nam đã đâm tàu nước này 171 lần. Trung Quốc thậm chí còn đặt điều kiện đàm phán, đòi Việt Nam rút tàu.

Trung Quốc ngang ngược nói bị tàu Việt Nam “quấy rối”, đâm 171 lần
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trong vùng biển Trung Quốc đặt hạ giàn khoan HD 981 thuộc thềm lục địa của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo chiều 7/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, khẳng định Trung Quốc đã triển khai khoảng 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự, tới hộ tống giàn khoan khủng HD 981 mà nước này đưa trái phép vào thềm lục địa Việt Nam. Và các tàu Trung Quốc, được máy bay hộ tống, đã dùng vòi rồng tấn công và đâm rách 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam. Ngoài ra, 6 người của lực lượng kiểm ngư đã bị thương sau vụ việc. Thông tin cũng được khẳng định trong đoạn clip được công bố trong cuộc họp báo.

Trung Quốc “kinh ngạc và sốc”

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo được Trung Quốc tổ chức trong vội vã vào chiều qua 8/5, Yi Xianliang, Phó cục trưởng Cục biên giới và đại dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lại lớn tiếng tuyên bố tàu Việt Nam “chủ đích đâm tàu Trung Quốc… nhằm quấy rối và ngăn chặn hoạt động khoan của người Trung Quốc”. Ông này còn cho biết: “Từ 3-7/5, trong thời gian 5 ngày, Việt Nam đã phái 35 tàu các loại đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần”.

Ông Xi cũng phủ nhận Trung Quốc triển khai tàu quân sự tới khu vực và nói tàu Trung Quốc chỉ phun vòi rồng vào tàu Việt Nam sau khi “bị tàu Việt Nam đâm”. Song ông này lại từ chối cho biết Trung Quốc đã triển khai bao nhiêu tàu hộ tống dàn khoan HD981.

Ông Yi Xianliang cho biết Trung Quốc “kinh ngạc và sốc” trước điều mà ông gọi là “khiêu khích của Việt Nam” và tuyên bố hoạt động khoan dầu của Trung Quốc tại Hoàng Sa sẽ vẫn tiếp tục.

Ông Xi cũng ngang nhiên tuyên bố hoạt động của Trung Quốc ở khu vực đã diễn ra một thập kỷ nay. Ông lập luận rằng, vị trí đặt giàn khoan nằm cách cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc mới tuyên bố thành lập một cách bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 2012, có 17 hải lý, nên hoạt động của Trung Quốc là “hợp pháp”. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam trong một trận hải chiến gây nhiều đổ máu vào năm 1974, cách đây tròn 40 năm.

“Tôi cho rằng chúng tôi không có lý do gì để ngừng những hoạt động như thế”, ông Xi tuyên bố.

Ông Xi Xianliang một mặt nói Trung Quốc sẵn sàng cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam qua đàm phán, nhưng mặt khác lại ra điều kiện là Việt Nam phải rút tàu khỏi khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan DH 981, tức thềm lục địa của Việt Nam.

“Chúng tôi có thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Chúng tôi có khả năng, sự tự tin và sự sáng suốt để làm điều đó”, ông Xi nói.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ

Cũng tại cuộc họp báo vào ngày hôm qua ông Yi Xianliang cảnh báo Mỹ chớ có can thiệp vào căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố, gọi việc triển khai giàn khoan của Trung Quốc là “khiêu khích”, không có lợi cho an ninh khu vực và việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu Việt Nam là “cách hành xử nguy hiểm, mang tính hăm dọa”.

“Bình luận của giới chức Mỹ đã đẩy một số bên tới việc chọn khiêu khích”, ông Yi tuyên bố. “Đây là vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam, không liên quan gì đến bất kỳ bên thứ ba nào”.

Trong khi đó, vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, lại tiếp tục chỉ trích Mỹ. “Phải chỉ ra rằng một loạt những bình luận sai lầm và thiếu trách nhiệm của Mỹ gần đây…đã khuyến khích một số nước hành xử nguy hiểm và khiêu khích”, bà Hoa Xuân Oánh cho biết tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh. Bà cũng kêu gọi Mỹ “ngừng đưa ra bình luận” về vụ việc.

Tuy nhiên, vào ngày hôm qua, tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã tái nhắc lại quan điểm trên của Bộ Ngoại giao Mỹ và cho biết: “Mỹ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ theo luật pháp quốc tế”. Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh có hành động làm leo thang căng thẳng.

Trung Anh