1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lên tiếng về triển vọng đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moscow không nhìn thấy triển vọng đàm phán với Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Nga lên tiếng về triển vọng đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

"Chúng tôi đã trao đổi ở khá nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cấp độ cao nhất, rằng phía Nga không bao giờ đóng cửa quá trình đàm phán. Nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ triển vọng nào cho quá trình đàm phán này cho đến nay", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 7/7, bình luận về một tuyên bố gần đây của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko rằng các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine có thể bắt đầu vào mùa thu.

"Điều quan trọng đối với chúng tôi là đạt được các mục tiêu của mình và các mục tiêu này có thể đạt được bằng các biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, các biện pháp chính trị và ngoại giao, thật không may, không thể tiếp cận được ở thời điểm hiện tại, trước tiên có lẽ là do chính quyền Kiev từ chối cơ hội này và cũng chủ yếu do Washington không ủng hộ quá trình này", ông Peskov nhấn mạnh.

Ông Peskov nói rằng Mỹ có ảnh hưởng trực tiếp đến chính quyền Ukraine và tác động đến Kiev.

Trước đó, Tổng thống Lukashenko cho biết, tình hình chiến sự có thể thay đổi vào mùa thu và các bên xung đột có thể bắt đầu đàm phán. Theo nhà lãnh đạo Belarus, châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán. Mỹ vẫn giữ lập trường trung lập, nhưng cũng sẵn sàng đối thoại nếu chiến dịch phản công của Ukraine gặp thất bại.

Tổng thống Lukashenko từng nói rằng, Belarus coi xung đột giữa hai "dân tộc anh em" Nga và Ukraine là một thảm kịch lớn. Ông nhận định cuộc chiến này là hệ quả trực tiếp của những toan tính chiến lược chủ yếu của phương Tây.

Tổng thống Lukashenko khẳng định Belarus đã rất nỗ lực để ngăn chặn xung đột. Ông cũng tuyên bố, tuy là đồng minh của Nga, song Belarus sẽ không tham chiến ở Ukraine.

Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine. 

Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố, Nga không nhận thấy triển vọng đàm phán với Ukraine ở thời điểm này mặc dù Moscow luôn để ngỏ cơ hội hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột.

Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk. Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.

Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch phản công với hy vọng đạt được kết quả bước ngoặt trong năm nay. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho rằng, kỳ vọng của bên ngoài vào cuộc phản công của Ukraine đang quá cao.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm