1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc gặp khó khi "vũ khí hóa" thương mại với Australia

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc dường như buộc phải tạm dừng chiến lược "vũ khí hóa" thương mại với Australia khi buộc phải nhập lại những mặt hàng từng bị áp lệnh cấm phi chính thức.

Trung Quốc gặp khó khi vũ khí hóa thương mại với Australia - 1

Trung Quốc nối lại nhập khẩu bông từ Australia sau 5 tháng áp dụng lệnh cấm phi chính thức (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Trung Quốc đã nối lại nhập khẩu tinh quặng đồng với hợp đồng trị giá 30 triệu USD từ Australia và tăng mua bông từ Canberra, mặc dù trước đó Bắc Kinh được cho là đã ban lệnh cấm phi chính thức với những mặt hàng trên từ tháng 11 năm ngoái. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng tăng cường nhập lúa mì từ Australia, trở thành đối tác mua lúa mì lớn nhất của Canberra. 

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và căng thẳng chính trị đã buộc Trung Quốc phải nối lại nhập hàng của Australia, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang muốn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trước đó, căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang dồn dập, đỉnh điểm là vụ việc Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19 hồi đầu năm ngoái. Bắc Kinh đã không hài lòng với động thái này và sau đó áp thuế cũng như cấm nhập khẩu hàng loạt mặt hàng của Canberra.

Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Olson - nhà cựu đàm phán thương mại của Mỹ - nhận định rằng, Trung Quốc sẽ có xu hướng tránh "tự bắn vào chân mình" trong lĩnh vực kinh tế. Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ có xu hướng thực dụng khi muốn cân bằng triển vọng kinh tế với lợi ích chính trị của họ.

Hồi tháng 6, dữ liệu thương mại chính thức cho thấy, Trung Quốc mua 11.000 tấn tinh quặng đồng từ Australia lần đầu tiên kể từ tháng 11, thời điểm Bắc Kinh được cho là ban lệnh cấm phi chính thức nhiều mặt hàng từ Australia.

Khi Trung Quốc đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, nước này đã tăng cường nhập khẩu đồng, đặc biệt là từ các nhà xuất khẩu chủ chốt ở Nam Mỹ, nhưng không mua từ Australia cho đến khi nguồn cung ở Chile và Peru xảy ra vấn đề.

Trước lệnh cấm hồi cuối năm ngoái, lượng bông nhập từ Canberra giảm từ 14.000 tấn hồi tháng 11/2020 trở về 0 cho tới tháng 4, khi Trung Quốc nhập 10.000 tấn từ Australia. Trung Quốc sau đó tiếp tục nhập thêm mặt hàng này vào các tháng sau đó từ Australia.

Vào tháng 4, cuộc khủng hoảng nguồn cung bông toàn cầu đã xảy ra trong bối cảnh nhu cầu hàng may mặc cao hơn và các nhà xuất khẩu lớn là Mỹ và Brazil thắt chặt nguồn cung.

Việc Trung Quốc tăng nhập bông Australia cũng trùng vào thời điểm Mỹ và châu Âu ban lệnh cấm sản phẩm từ bông xuất xứ ở Tân Cương. Điều này được cho đã khiến nhiều nhà sản xuất dệt may ở Trung Quốc phải đi mua bông ở nước ngoài.

Miran Ali, phát ngôn viên Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may bền vững Đông Á, nhận định: "Các nhà sản xuất sẽ không thể dùng bông Tân Cương cho thị trường Mỹ hay bất cứ thương hiệu châu Âu nào bán ở Mỹ".

Theo Tianlei Huang, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết, các diễn biến trên chỉ ra rằng Trung Quốc có quan điểm thực dụng với vấn đề thương mại. Ngoài ra, nó cũng cho thấy, chiến lược "vũ khí hóa thương mại" không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, thương mại vẫn sẽ là một trong những công cụ mà Trung Quốc sử dụng trong thời gian tới để thực hiện các chiến lược đối ngoại của họ với thế giới.